Thị trường tiền điện tử ngày 23/09: Bitcoin trở lại ngưỡng trên 19.000 USD, altcoin có đà phục hồi nhẹ

Tác giả: Duy Chiến
Ngày đăng: 23-09-2022 | 17:13:04

Bất chấp các tín hiệu vĩ mô ảm đạm, thị trường tiền điện tử trở lại sắc xanh ngày hôm nay.

Thị trường tiền điện tử

Dữ liệu thị trường cho thấy giá Bitcoin đã tiến đến mốc $19.450 trước khi trở lại đà giảm về sát $19.000 với khối lượng giao dịch ngày đạt 38 tỉ đô. Trong 24 giờ qua, BTC đã ghi nhận đà tăng 4,5%, đóng cửa tại $19.398, cao hơn gần 1.000 USD so với mức giá đóng cửa trong ngày hôm qua.

Biến động giá Bitcoin ngày 23/09/2022

Chỉ báo on-chain Bitcoin theo dõi lượng coin được nắm giữ bởi những holder dài hạn (LTH) báo hiệu rằng thị trường đang rất gần với mức đáy.

Tính đến ngày 22 tháng 9, khoảng 30% LTH của Bitcoin đang phải đối mặt với thua lỗ do sự sụt giảm của BTC từ $69.000 vào tháng 11/2021 xuống $19.000 vào thời điểm hiện tại, thấp hơn khoảng 3% đến 5% so với mức đáy trong chu kỳ gấu trước đó.

Vào tháng 3/2020, giá Bitcoin giảm xuống dưới $4.000 do đại dịch COVID-19 bùng nổ, vào thời điểm đó nguồn cung BTC do LTH nắm giữ bị thua lỗ tăng lên mức 35%.

Tương tự, với mức đáy vào tháng 12/2018 tại $3.200 chỉ báo tổn thất của LTH cũng đã tăng lên trên 32%. Trong cả hai trường hợp, BTC/USD đều bước vào chu kỳ tăng giá dài hạn.

Do đó, số lượng LTH thua lỗ trong thị trường gấu có xu hướng đạt đỉnh trong khoảng 30% đến 40%. Nói cách khác, Bitcoin vẫn có khả năng giảm xuống phạm vi từ $10.000 đến $14.000. Thị trường tăng giá tiếp theo có thể bắt đầu khi tổng cung do LTH nắm giữ bắt đầu giảm.

Trong khi đó, số lượng các địa chỉ tích lũy đã tăng đều đặn trong thị trường gấu hiện tại. Số liệu này theo dõi các địa chỉ có “ít nhất hai lần nhận tiền và chưa bao giờ sử dụng số coin này”.

Ngoài ra, số lượng địa chỉ có số dư khác 0 hiện ở mức khoảng 42,7 triệu so với 39,6 triệu vào đầu năm nay, cho thấy đà tăng trưởng người dùng nhất quán trong thị trường gấu.

Bitcoin có thể giảm thêm về mức $14.000 nếu tiếp tục breakdown. Động thái này sẽ đẩy chỉ số “LTH thua lỗ” về phía vùng vốn 32% đến 35% và thiết lập mức đáy trong thị trường gấu hiện tại.

Theo sau Bitcoin, Ethereum (ETH) cũng đã bật tăng 6% trong 24 giờ lên $1.352 trước khi quay lại mốc $1.300 ở thời điểm hiện tại.

Top 10 altcoin đứng đầu vốn hóa thị trường tiền điện tử ngày 23/09/2022

Cùng với đà tăng của 2 dự án hàng đầu trên thị trường, nhiều altcoin cũng ghi nhận khoản lãi lên đến 2 chữ số trong ngắn hạn. Dẫn đầu đà hồi phục là Ripple (XRP) với mức tăng hơn 20% sau khi có thông tin cho biết Ripple Labs đã đệ đơn đề nghị phán quyết tóm tắt, quy trình pháp lý liên quan đến việc tòa án đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên các dữ liệu được cung cấp, thay vì ra lệnh xét xử, và quyết định về việc XRP có phải là chứng khoán hay không sẽ được công bố vào giữa tháng 12.

Theo sau là Chiliz (CHZ), UNUS SED LEO (LEO) với khoản lãi hơn 15% trong ngày. Các dự án khác như Compound (COMP), Algorand (ALGO), Theta Network (THETA)… cũng bật tăng trên 10%.

Tâm lý chung trên thị trường đang chủ yếu là nỗi lo sợ khi các biến động vĩ mô ngày càng xấu đi. Chỉ số Tham lam và Sợ hãi (FGI) hiện đang ở mức 20 điểm và tiếp tục chìm sâu vào vùng Sợ hãi tột độ (Extreme Fear).

Chỉ số FGI thị trường tiền điện tử ngày 23/09/2022

Các yếu tố vĩ mô

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (22/9), đánh dấu phiên trượt dốc thứ ba liên tiếp trong bối cảnh nhà đầu tư phản ứng với động thái tăng lãi suất mạnh tay mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trái lại, giá dầu hồi phục nhờ mối lo về nguồn cung dầu Nga thắt chặt và thông tin về sự khởi sắc nhu cầu của Trung Quốc.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,8%, còn 3.757,99 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 107,1 điểm, tương đương giảm 0,3%, còn 30.076,68 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,4%, còn 11.066,81 điểm.

Cổ phiếu tăng trưởng, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ, tiếp tục là nhóm bị bán nhiều nhất trong phiên này. Đây là những cổ phiếu chịu áp lực giảm lớn hơn cả trong một môi trường lãi suất tăng như hiện nay.

Hôm thứ Tư, Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm và phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất lên cao hơn và trong thời gian lâu hơn so với kỳ vọng trước đó của thị trường. Những tín hiệu mới từ Fed gây ra biến động lớn trên gần như tất cả các thị trường từ trái phiếu, cổ phiếu, tiền tệ tới hàng hoá cơ bản, từ Mỹ tới châu  u và châu Á.

Từ trước tuyên bố của Fed, nỗi bất an đã hiện hữu khi một số công ty, gần đây nhất là hãng vận chuyển FedEx và hãng xe Ford, đưa ra cảnh báo về triể vọng lợi nhuận. Vào thời điểm ngày thứ Sáu, mức tăng trưởng lợi nhuận quý 3 ước tính của các công ty trong S&P 500 là 5% - theo dữ liệu từ Refinitiv. Nhưng sự tăng trưởng tập trung chủ yếu ở cổ phiếu năng lượng. Nếu không tính đến nhóm năng lượng, lợi nhuận giảm 1,7%.

Loạt cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn và những công ty tăng trưởng cao như Amazon, Tesla và Nvidia đồng loạt giảm từ 1-5,3% trong phiên này, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất 11 năm.

Các doanh nghiệp tăng trưởng cao, gồm các hãng công nghệ, có mức lợi nhuận dự phóng cao, mà lãi suất tăng lên sẽ gây sứt mẻ triển vọng lợi nhuận đó. Bởi vậy, đây thường là những cổ phiếu bị ảnh hưởng nhiều nhất khi lãi suất tăng lên. Năm nay, nhóm công nghệ trong S&P 500 đã giảm 28%, so với mức giảm 21,2% của chỉ số chính.

Với phiên giảm này, Dow Jones đã giảm 2,4% từ đầu tuần. Cả S&P 500 và Nasdaq cũng mất điểm mạnh, tương ứng giảm 3% và 3,3%.

Thị trường châu  u cũng “đỏ lửa” trong phiên ngày thứ Năm, sau khi một loạt ngân hàng trung ương châu  u trong khu vực gồm của các nước Anh, Thuỵ Sỹ và Na Uy đồng loạt tăng mạnh lãi suất. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán khu vực giảm gần 1,8%; DAX của Đức mất hơn 1,8%; FTSE của Anh giảm gần 11,%; và CAC của Pháp tụt gần 1,9%.

Theo nhà tư vấn cấp cao Tim Lesko của công ty Mariner Wealth Advisors cho rằng đang có thêm nhiều nhà đầu tư bắt đầu chấp nhận rằng suy thoái kinh tế Mỹ sắp xảy ra. Theo quan điểm của ông, khi suy thoái thực sự đến, thị trường sẽ phản ứng khác đi.
Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,63 USD/thùng, tương đương tăng 0,7%, chốt ở 90,46 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,55 USD/thùng, tương đương tăng 0,7%, đóng cửa ở mức 83,49 USD/thùng.

Giá dầu tăng nhờ mối lo về nguồn cung dầu Nga thắt lại, nhu cầu ở Trung Quốc cải thiện, và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tăng lãi suất ít hơn dự báo.

Trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, Liên minh châu  u (EU) đang xem xét áp trần giá dầu và siết chặt hạn chế đối với xuất khẩu công nghệ cao lên Nga, cũng như tăng cường trừng phạt giới tinh hoa Nga. Ngoài ra, từ đầu tháng 12 sắp tới, lệnh cấm vận dầu Nga của EU sẽ chính thức có hiệu lực.

Nhu cầu dầu thô ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đang tăng trở lại sau một thời gian suy yếu vì các hạn chế chống Covid-19. Ngày 22/9, BOE tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm thay vì sử dụng bước nhảy 0,75 điểm phần trăm như dự báo trước đó của thị trường, thay đó giúp nhà đầu tư giải toả tâm lý phần nào.

Dù vậy, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu do “cuộc đua” tăng lãi suất và xu hướng tăng giá dường như “bất bại” của đồng USD vẫn đang gây áp lực giảm giá lên “vàng đen”.

Sau động thái tăng lãi suất ngày 21/9 của Fed, một loạt ngân hàng trung ương trên toàn cầu cũng mạnh tay nâng theo, trong đó có các ngân hàng trung ương của Indonesia, Philippines và Nam Phi. “Điều này cho thấy chu kỳ thắt chặt hiện nay đồng bộ như thế nào”, một báo cáo của Deutsche Bank nhận định.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD tiếp tục lập đỉnh mới của 20 năm ở mức hơn 111,8 điểm, gây áp lực lên giá các hàng hoá cơ bản.

Giá vàng thế giới tạm thoát khỏi mức đáy của 2 năm rưỡi và chuyển sang giằng co trong vùng hẹp, nhưng giới chuyên gia tiếp tục bi quan về triển vọng giá vàng trong môi trường chính sách tiền tệ thắt chặt trên toàn cầu. Quỹ vàng khổng lồ SPDR Gold Trust vẫn bán ròng, trong khi giá vàng miếng trong nước gần như “bất động”.

Lúc gần 9h sáng nay (23/9) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.675,6 USD/oz, tăng 3,6 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Năm tại Mỹ.

Trong phiên đêm qua tại thị trường New York, giá vàng giảm 2,5 USD/oz, tương đương giảm 0,15%, so với đóng cửa phiên ngày thứ Tư, còn 1.672 USD/oz. Sáng hôm qua, giá vàng giảm về ngưỡng 1.660 USD/oz, thấp nhất kể từ tháng 4/2020.

Tâm lý bi quan về triển vọng giá vàng trên thị trường quốc tế còn thể hiện qua việc quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust không ngừng bán ròng từ đầu tuần đến nay. Phiên ngày thứ Năm, quỹ bán thêm 1,1 tấn vàng, giảm nắm giữ còn 950,1 tấn. Chỉ trong vòng 4 phiên, quỹ đã bán hơn 10 tấn vàng.

Đánh giá bài viết này

5/5 - (2 Bình chọn)

Tin khác:

- Chính phủ Hàn Quốc tịch thu 260 tỷ won tiền điện tử vì không nộp thuế kể từ năm 2021

- Người dùng đã chạy hơn 100 TRIỆU KM nhờ vào StepN kể từ khi ra mắt

Danh sách bài viết được xem nhiều