Thị trường tiền điện tử ngày 23/08 - Coin28: Bitcoin tiếp tục dao động quanh mốc 21.000, thị trường trầm lắng trước cơn bão mới?
Bài viết được update ngày: 23-08-2022 | 11:52:09
Chứng khoán Hoa Kỳ giảm mạnh vào phiên giao dịch ngày hôm qua (22/08) càng làm gia tăng thêm lo ngại về xu hướng tiêu cực của thị trường tiền điện tử.
Thị trường tiền điện tử
Dữ liệu thị trường cho thấy giá Bitcoin chưa thể phục hồi sau đà giảm đột ngột vào tuần trước. Đồng tiền điện tử lớn nhất thị trường đã chạm mức thấp nhất trong nhiều tuần dưới $20.800 vào cuối tuần, sau đó tạo ra một đợt tăng nhẹ lên mức $21.367. Có thể coi ngưỡng $21.000 đang là mốc quan trọng mà cả phe bò và gấu quyết tâm phá vỡ.

Sự lo lắng về các thị trường châu Âu và hội nghị chuyên đề Jackson Hole của Fed sắp tới cũng góp phần làm tăng thêm nỗi lo của nhà đầu tư đối với các tài sản rủi ro.
Đợt sụt giảm cuối tuần trước cho thấy thị trường lại duy trì các mức thấp kể từ hồi tháng Bảy và BTC khó có thể bật tăng khỏi vùng $25.000. Các số liệu cho thấy rằng nếu Bitcoin tiếp tục giao dịch dưới mức trung bình động 200 tuần (WMA) quan trọng gần 23.000 đô la, thì tình hình sẽ có lợi cho phe gấu.
Dữ liệu từ orderbook của sàn giao dịch Binance, một số cá voi nắm giữ khối lượng lớn Bitcoin đang cố gắng tạo sóng để phá vỡ ngưỡng $21.000. Có thể trong thời gian tới giá Bitcoin sẽ có một vài điều chỉnh mới.
Vẫn có những quan điểm lạc quan được đưa ra nhưng cũng chỉ nằm trong khung thời gian dài hạn. Nhà phân tích Rekt Capital lập luận rằng việc mua BTC dưới 35.000 đô la vẫn là một “món hời”. Khu vực xung quanh mức giá đó đại diện cho một khu vực có khối lượng giao dịch chính, một khu vực sẽ được coi là một rào cản lớn nên hành động giá giao ngay sẽ tăng cao hơn.
Tuy nhiên, Rekt Capital cũng dự đoán mức thấp trong chu kỳ vĩ mô sẽ đến vào quý 4 nếu BTC lặp lại thời điểm chạm đáy trong các chu kỳ trước đó từ năm 2015 và 2018.
“Vào năm 2015, BTC chạm đáy 547 ngày trước Halving. Năm 2018, BTC chạm đáy 517 ngày trước Halving (không tính sự cố tháng 3 năm 2020). Nếu Bitcoin sẽ chạm đáy 517-547 ngày trước Halving tháng 4 năm 2024 sắp tới … thì đáy sẽ xuất hiện vào Q4 năm nay”.
Phần còn lại của thị trường -các đồng altcoin vẫn đang chìm trong sắc đỏ do những lo ngại về các yếu tố vĩ mô không thuận lợi và sự không chắc chắn về địa chính trị đang tấn công Khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Ethereum hôm qua đã kiểm tra ở vùng $1.500 trước khi hồi phục lại mốc $1.630. Có vẻ như sau đợt sóng FOMO sự kiện The Merge vừa rồi, các nhà đầu tư đã hoàn thành xong việc chốt lãi. Sau đà giảm ngày hôm qua, các mã token trong top 10 vốn hóa thị trường không có nhiều biến động khi chỉ thay đổi 0,5 -1% trong khung thời 24 giờ.

Dẫn đầu đà giảm là CEL khi đang mất tới 24,3% trong ngày. Theo sau là XDC đang giảm 5,2% trong khi HBAR, HNT và TWT đều lỗ 4% trong cùng khoảng thời gian. Về phía tăng, CHZ đang kiếm được mức lợi nhuận gần 20% khi Chiliz chuẩn bị kích hoạt mainnet Habanero và sự bùng nổ của Fan token trước thềm World Cup 2022. Theo sau là EOS tăng gần 17% và CRV tiến 8% cùng một số altcoin khác đang tăng khoảng 1-3% trong 24 giờ qua.
Tâm lý thị trường qua các phiên ngày càng giảm và không có dấu hiệu được cải thiện. Chỉ số Tham lam và Sợ hãi (FGI) của thị trường tiền điện tử hôm nay chỉ ở mức 28 điểm và nằm trong vùng Fear.

Các yếu tố vĩ mô
Chỉ số Dow Jones giảm mạnh vào ngày thứ Hai (22/8), đánh dấu phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2022, khi đà leo dốc mùa hè dần kết thúc và lo ngại về việc FED nâng lãi suất quyết liệt đã quay trở lại Phố Wall.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones rớt 643,13 điểm (tương đương 1,91%) xuống 33.063 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 2,14% xuống 4.137 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite mất 2,55% còn 12.381 điểm. Đây là phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ ngày 16/6/2022 đối với cả Dow Jones và S&P 500.
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh sau một tuần sụt giảm, kết thúc chuỗi 4 tuần tăng của S&P 500. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn leo dốc 13% so với mức đáy ghi nhận hồi tháng 6/2022.
Nhà đầu tư đang dự báo đây có thể là một tuần giao dịch đầy biến động trước những nhận định mới nhất của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell về lạm phát tại Hội nghị chuyên đề kinh tế thường niên Jackson Hole của ngân hàng trung ương.
Nhóm cổ phiếu công nghệ đỏ lửa do lo ngại Fed nâng lãi suất quyết liệt hơn. Cổ phiếu Amazon rớt 3,6%. Nhóm cổ phiếu chất bán dẫn cũng giảm mạnh với cổ phiếu Nvidia mất 4,6%. Cổ phiếu Netflix sụt 6,1% sau khi bị CFRA hạ bậc xuống “bán”.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng, khi các nhà giao dịch trái phiếu kỳ vọng Hội nghị chuyên đề Jackson Hole của Fed sẽ gửi đi thông điệp “diều hâu” đến thị trường. Cụ thể, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt mốc 3% vào ngày thứ Hai, lần đầu tiên kể từ ngày 21/7/2022, dao động ở mức 3% vào cuối phiên sáng.
Giá dầu rút khỏi mức đáy trong phiên và gần như đi ngang trong phiên biến động ngày thứ Hai (22/8), sau khi Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út cho biết OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng để đối đầu với những thách thức của thị trường. Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng dầu Brent lùi 44 xu (tương đương 0,5%) xuống 96,28 USD/thùng. Hợp đồng này đã giảm tới 4,5% vào đầu phiên, làm đứt mạch 3 phiên tăng liên tiếp.
Cùng ngày, giá vàng giảm xuống gần mức thấp nhất trong 1 tháng vào ngày thứ Hai, trong bối cảnh kim loại quý giảm mạnh do đồng USD mạnh hơn, với việc nâng lãi suất của Fed sắp xảy ra cũng làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý.
Nối dài đà lao dốc sang phiên thứ 6 liên tiếp, kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0,77% xuống 1.734 USD/oz sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 27/7/2022 vào đầu phiên. Hợp đồng vàng tương lai mất 0,86% còn 1.747 USD/oz.
Trong khi đó, đồng Euro đã giảm xuống dưới mức tương đương với đô la Mỹ lần đầu tiên kể từ tháng Bảy. Nó đã phải đối mặt với nhiều cơn gió ngược, với lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn tăng trong tháng Bảy trái ngược với Hoa Kỳ.
Tin khác:
- Samsung sẽ ra mắt sàn giao dịch crypto vào năm 2023
- Mark Zuckerberg đại tu metaverse Horizon Worlds sau khi bị “chê” đồ họa đơn giản
Đánh giá bài viết này
Gửi đánh giá của bạn