Thị trường tiền điện tử ngày 22/08 - Coin28: Bitcoin đóng cửa tuần dưới 22.000 USD, tác động đà giảm tới toàn thị trường
Ngày đăng: 22-08-2022 | 11:36:30
Những ngày cuối tuần trước, Bitcoin đã có lúc chạm dưới ngưỡng $21.000 trước khi đóng cửa tuần tại $21.515.
Thị trường tiền điện tử
Bitcoin đã cho thấy đà phục hồi mạnh trong khoảng thời gian đầu tháng 8 này. Tuy nhiên, kể từ tuần trước, thị trường đã tiến hành một đợt điều chỉnh mạnh, gây ra nhiều tổn thất cho nhà đầu tư. Sau khi thất bại trong việc phá vỡ mốc cao hơn $25.000, giá BTC đã nhanh chóng lao dốc, thậm chí có thời điểm chạm đáy $20.879. Hiện tại Bitcoin đang giao dịch quanh ngưỡng $21.447, hồi phục nhẹ với mức tăng 1,2% so với ngày hôm qua.

Dữ liệu từ Coinglass cho thấy thanh khoản trên thị trường đã nhanh chóng tăng lên trong 24 giờ qua. Có khoảng 168.586 giao dịch với 600 triệu USD đã bị thanh lý.
Bất chấp những tín hiệu phục hồi, Bitcoin vẫn không thể đưa giá vượt lên vùng $22.000 khi chỉ thiết lập đỉnh cục bộ tại $21.800 và chính thức đóng cửa hàng tuần trong sắc đỏ tại $21.515.
Ngay cả các sản phẩm đầu tư liên quan cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Các quỹ Bitcoin và ETF tiếp tục cho thấy sự thiếu hụt nhu cầu kể từ đợt bán tháo vào giữa tháng 6. Đợt sụp đổ của thị trường tiền điện tử đã khiến Canadian Bitcoin Purpose Spot ETF ghi nhận khoản lỗ lớn.
Nhà phân tích Bitcoin nổi tiếng, Jan Wustenfeld, cho biết: Vào ngày 17 tháng 6, lượng nắm giữ của quỹ Canadian Bitcoin Purpose Spot ETF đã giảm từ 47.800 xuống 23.300 BTC. Tỷ lệ đầu tư vẫn đi ngang kể từ đó (hiện ở mức 23.600 BTC).
Các quỹ dành riêng cho Bitcoin cũng chứng kiến đà tăng trưởng bị đình trệ. Wustenfeld nói thêm rằng: “Dòng tiền vào và ra nhỏ trong những tuần qua ở mức khá thấp”. Ngoài ra, theo dữ liệu của ByteTree, tổng số BTC được các quỹ nắm giữ không cho thấy bất kỳ biến động lớn nào. Những nhà đầu tư thông qua các quỹ Bitcoin dường như vẫn rất thận trọng về việc tăng mức độ tiếp xúc với thị trường.
Dữ liệu on-chain tại nền tảng Santiment tiết lộ rằng, tỷ lệ MVRV (Market Value to Realized Value) hiên đang không ở vị thế tốt để các nhà đầu tư chốt lời.

Sau khi không thể vượt qua mốc $2.000, ETH cũng đã giảm mạnh đến hơn 17% trong tuần và chạm đáy tại $1.523, đóng cửa hàng tuần trong cùng sắc đỏ ở mức $1.618.
Các mã token trong top 10 vốn hóa thị trường cũng chứng kiến đà hồi phục nhẹ trong ngày đầu tuần mới nhưng vẫn giảm mạnh trong khung thời gian tuần, thậm chí tỷ lệ suy giảm lên tới 2 con số.
Khung thời gian ngày: BNB +3,47%, XRP -0.02%, ADA +1,62%, SOL +2,45%, DOT +1,4%.
Khung thời gian tuần: BNB -8,44%, XRP -11,43%, ADA –20,27%, SOL -22,3%, DOT -20,69%.
Với đà sụt giảm của Bitcoin, thị trường altcoin cũng khép lại tuần qua trong sắc đỏ, với nhiều dự án ghi nhận khoản lỗ lớn. Dẫn đầu là Celsius (CEL) khi mất 13,42% giá trị trong 24 giờ qua, trong khung thời gian 7 ngày, altcoin này đã bốc hơi đến hơn 40%. Theo sau là Curve Dao Token (CRV), NEAR Protocol (NEAR), Gala với đà giảm trên 25%. Nhiều dự án lớn khác trong top 100 cũng ghi nhận đà giảm mạnh trên 20% như Flow (FLOW), THORChain (RUNE), FileCoin (FIL), Aave (AAVE), Axie Infinity (AXS), Shiba Inu (SHIB), Ethereum Classic (ETC)…
Tâm lý thị trường đang có đà sụt giảm nghiêm trọng kể từ hồi bắt đầu đợt suy thoái thị trường từ hồi tháng 5. Chỉ số Tham lam và Sợ hãi đang ở mốc 29 điểm trong vùng Fear, biểu thị tâm lý không mấy tích cực của nhà đầu tư tiền điện tử.

Các yếu tố vĩ mô
Với lo ngại về việc tăng lãi suất mạnh mẽ đã quay trở lại Phố Wall, đợt phục hồi trong tuần trước cho thấy dấu hiệu tạm dừng, khi thị trường futures của chứng khoán Mỹ đã giảm điểm vào đêm Chủ nhật.
Chỉ số Dow Jones futures giảm 93 điểm, tương đương 0,28%. Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq 100 futures lần lượt giảm 0,35% và 0,53%. Vào hôm thứ Sáu, S&P 500 đóng cửa với mức giảm 1,29%; Dow Jones giảm 292 điểm, tương đương 0,86% và Nasdaq Composite giảm 2,01%.
Những động thái này có thể là tín hiệu báo trước một tuần giao dịch đầy biến động trên Phố Wall. Các nhà đầu tư đang cố gắng dự đoán liệu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed), Jerome Powell, sẽ có phản ứng như thế nào đối với lạm phát tại hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole hàng năm của ngân hàng trung ương, diễn ra vào ngày 25 – 27/8.
Trong khi đó, cổ phiếu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng giảm điểm vào hôm thứ Hai, khi lo ngại về việc Fed tiếp tục tăng lãi suất quay trở lại. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,19% và chỉ số Topix giảm 0,91%. Tại Hàn Quốc, Kospi giảm 1,15% và Kosdaq mất 1,27%. Chỉ số S&P/ASX 200 tại Úc cũng giảm gần 1%. Chỉ số MSCI của cổ phiếu Châu Á – Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản mất hơn 0,3%.
Tin khác:
- Pool đào Ethermine chặn giao dịch Tornado Cash
- Cầm 1 USD mua Bitcoin vào 12 năm trước, giờ có thể lọt top bao nhiêu % người giàu nhất Việt Nam?
Đánh giá bài viết này
Gửi đánh giá của bạn