Thị trường tiền điện tử ngày 18/08 - Coin28: Các token top đầu chuyển đỏ, liệu đà giảm có xóa bỏ những mốc mà thị trường đạt được trước đó?

Tác giả: Duy Chiến
Ngày đăng: 18-08-2022 | 11:48:25

Bitcoin cùng thị trường tiền điện tử đang theo xu hướng giảm xuống mức thấp hàng tuần vào đêm qua khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng 7.

Thị trường tiền điện tử

Dữ liệu thị trường cho thấy giá BTC giảm hơn 2% trong ngày và chạm mức thấp nhất $23.191 đô la.

Biểu đồ giá Bitcoin ngày 18/08/2022

Mặc dù không liên quan đến quyết định về lãi suất, cuộc họp FOMC mới nhất được cho là sẽ cung cấp định hướng của Fed đối với việc điều chỉnh lãi suất tiếp theo vào tháng 9.

Trong các khung thời gian ngắn hơn, xu hướng của Bitcoin cũng nhanh chóng mờ đi khi hỗ trợ bid nhích dần xuống dựa trên order book Binance. Đà giảm này đã được nhiều nhà phân tích dự báo từ trước. Với tình hình kinh tế vĩ mô như hiện tại, rất khó để đảm bảo dòng tiền đi vào thị trường crypto là ổn định. Và như thế đà tăng cũng chỉ là các sóng nhỏ tạm thời.

Về phía altcoin, Ethereum tiếp tục đà giảm với ngày hôm qua và hiện tại đang giao dịch quanh ngưỡng $1.848. Khối lượng giao dịch trong ngày cũng tăng đột biến 30% và đạt mốc 20 tỉ đô. Có vẻ như đà tâm lý FOMO sự kiện The Merge đã giảm, ngưỡng $2.000 là mốc để các nhà đầu tư chốt lãi khi không còn hy vọng tăng trưởng thêm.

Biến động của top 10 token có vốn hóa lớn nhất thị trường ngày 18/08/2022

Top 10 token đứng đầu thị trường về vốn hóa cũng đang chìm trong sắc đỏ với đà giảm tương đối. BNB -3,77%, XRP -4,16%, ADA -7,22%, SOL -7,32%, DOGE -5,48%

Không phải toàn bộ thị trường tiền điện tử đều có đà giảm như những token top đầu. Một số khác có đà tăng ấn tượng, đi ngược thị trường. CEL đã tăng hơn 18% cùng khoảng 10 coin khác ghi nhận sắc xanh. Lỗ nhiều nhất trong ngày là GMT khi mất gần 10%, theo sau là GALA và LRC khi cùng trượt khoảng 8%. Trong khi đó AAVE, SHIB, ANKR và CRV đều giảm khoảng 7% trong khoảng thời gian 24 giờ qua.

Tâm lý thị trường đột ngột giảm mạnh, chỉ số Tham lam và Sợ hãi (FGI) giảm 10 điểm so với hôm qua, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư đang mất dần. Hiện FGI đang ở mốc điểm 30 tại vùng Fear.

Chỉ số FGI thị trường tiền điện tử ngày 18/08/2022

Các yếu tố vĩ mô

Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào ngày thứ Tư (17/8), khi đợt phục hồi đẩy giá tăng cao kể từ giữa tháng 6/2022 dường như đã mất đà. Nhà đầu tư cũng đánh giá dữ liệu bán lẻ mới nhất và biên bản cuộc họp của Fed. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones lùi 171,69 điểm (tương đương 0,5%) xuống 33.980 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,72% còn 4.274 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite rớt 1,25% xuống 12.938 điểm.

Nhà phân tích Justin Bennett đã cảnh báo rằng S&P 500 đang sao chép hành vi ngay từ trước khi xảy ra Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

“Điều này thật đáng kinh ngạc. S&P 500 đang bắt chước vụ tai nạn năm 2008. Ngay cả khoảng thời gian kể từ ATH cũng gần giống nhau. Cả cổ phiếu và tiền điện tử đều chưa chạm đáy.”

Dow Jones đã chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp nhưng khép phiên ghi nhận mức tăng nhẹ từ đầu tuần đến nay. S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 0,14% và 0,84% kể từ đầu tuần.

Chứng khoán Mỹ biến động mạnh khi nhà đầu tư đánh giá biên bản cuộc họp mới nhất của Fed, cho thấy rằng ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục chiến dịch nâng lãi suất mạnh mẽ cho đến khi có thể kìm hãm lạm phát. Đồng thời, Fed cũng chỉ ra rằng cơ quan này có thể sớm làm chậm tốc độ thắt chặt của mình, và thừa nhận tình trạng của nền kinh tế và rủi ro suy thoái đối với tăng trưởng GDP.

Biên bản cuộc họp tháng 7 của FOMC cho biết có thể mất nhiều thời gian hơn dự báo để lạm phát tiêu tan. Biên bản cho biết tốc độ nâng lãi suất trong tương lai sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế sắp tới, cũng như đánh giá của Fed về cách nền kinh tế thích ứng với mức lãi suất cao hơn đã được thông qua.

“Các đại biểu đánh giá rằng, khi lập trường chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nữa, nó có khả năng trở nên thích hợp để làm chậm tốc độ nâng lãi suất, đồng thời đánh giá những tác động của việc điều chỉnh chính sách tích luỹ đối với hoạt động kinh tế và lạm phát”.

Lợi suất trái phiếu cũng tăng, với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cộng 7 điểm cơ bản lên 2,9% do lo ngại suy thoái và sự bất định về lộ trình nâng lãi suất của Fed vẫn còn. Động thái này đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm cổ phiếu tăng trưởng như công nghệ.

Giá vàng xoá bớt đà giảm vào ngày thứ Tư khi đồng USD góp phần tăng thêm áp lực đối với giá vàng sau động thái của Fed. Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0,62% xuống 1.764 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai mất 0,58% còn 1.779 USD/oz.

Chỉ số đô la Mỹ (DXY) đang tìm cách tấn công mức kháng cự trong suốt tháng 8.

Cùng ngày, giá dầu tăng khoảng 1,5% sau khi chạm đáy 6 tháng, nhờ dự trữ dầu thô giảm mạnh hơn dự báo đã lấn át những lo ngại về sự gia tăng sản lượng và xuất khẩu của Nga, cũng như lo ngại về suy thoái. Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng dầu Brent tiến 1,31 USD (tương đương 1,42%) lên 93,65 USD/thùng. Trước đó trong phiên, những lo ngại suy thoái đã khiến giá dầu Brent rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 02/2022 là 91,51 USD/thùng.

Đánh giá bài viết này

5/5 - (1 Bình chọn)

Tin khác:

- Do Kwon thuê luật sư ở Hàn Quốc trước sóng gió điều tra Terra

- Coinfund lập quỹ 300 triệu USD “cược lớn” vào Web3

Danh sách bài viết được xem nhiều