Thị trường tiền điện tử ngày 16/09 Coin28: Bitcoin trượt khỏi ngưỡng 20.000 USD, ETH giảm mạnh sau The Merge
Ngày đăng: 16-09-2022 | 14:44:37
Bitcoin (BTC) đã đánh mất ngưỡng hỗ trợ $20.000 trong phiên giao dịch ngày hôm nay, ETH cũng chịu chung đà giảm ngay sau khi The Merge bắt đầu.
Thị trường tiền điện tử
Dữ liệu thị trường cho thấy đà lao dốc của Bitcoin bắt đầu từ đêm qua khi tạo một nến đỏ đâm từ $20.131 xuống thẳng $19.600 chỉ trong vòng một giờ đồng hồ. Hiện tại giá Bitcoin đang giao dịch quanh $19.791 với khối lượng 24 giờ đạt giá trị 32 tỷ đô - giảm mạnh 19,25% so với ngày trước đó.

Đồng tiền điện tử lớn nhất đã không thể lấy lại được vị trí đã mất sau khi dữ liệu lạm phát của Hoa Kỳ vào ngày 13/9 ở mức cao hơn dự đoán, khiến các tài sản rủi ro rơi vào tình trạng khó khăn.
Bitcoin đã giảm 13,5% so với mức đỉnh trong tuần và nhiều nhà đầu tư vẫn đang lo lắng về việc thua lỗ thêm. Trader nổi tiếng Crypto Ed đã tóm tắt trong bản cập nhật YouTube mới nhất của mình rằng: “Trừ khi BTC có thể tăng lên trên hoặc quay lại vùng $20.800, nó vẫn sẽ đối mặt với nguy cơ tiếp tục giảm điểm”.
Trader Il Capo of Crypto một lần nữa đánh dấu $23.000 và $16.000 là các mức quan trọng ở hai bên giá giao ngay.
“Có lẽ thị trường sẽ vẫn bình lặng cho đến khi FED công bố lãi suất vào tuần tới”, Michaël van de Poppe, một nhà phân tích độc lập, tiếp tục về triển vọng vĩ mô của thị trường.
Các dấu hiệu cho thấy sự cường điệu từ sự kiện The Merge của Ethereum dường như đã biến mất và những người tham gia thị trường hiện đang chờ đợi cuộc họp sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới.
The Merge đã kết thúc, việc chuyển đổi từ proof-of-work (PoW) sang proof-of-stake (PoS) đã thành công, tuy nhiên Ethereum (ETH) đà giảm mạnh chỉ trong 12 giờ. Altcoin lớn nhất thị trường đã mất 2.000 USD và đang giao dịch quanh $1.474. Khối lượng giao dịch 24 giờ tăng đột biến với áp lực bán ở mức cao, cho thấy đà xả hàng từ những cá voi ôm ETH.
Hơn 60 triệu đô la ETH đã được thanh lý trong vòng chưa đầy một giờ, tạo ra áp lực giảm đối với phần còn lại của thị trường altcoin. Trong 24 giờ qua, các khoản thanh lý đã vượt quá 150 triệu đô la.
Theo dữ liệu từ CoinAnalyze, khoảng 77 triệu đô la thanh lý đã xảy ra trên OKEx, trong khi FTX đứng thứ hai với khoảng 40 triệu đô la thanh lý ETH trong 24 giờ qua. Phần lớn trong số đó là lệnh Long với khoảng 98,6 triệu đô la bị thanh lý trong 24 giờ qua, trong khi thị trường chỉ thấy khoảng 48,3 triệu đô la thanh lý Short.
Hiện tại, thống kê cho thấy giá trị thị trường của tất cả các token đang tồn tại là 965,42 tỷ USD, giảm mạnh từ mức 1,16 nghìn tỷ USD trước khi The Merge diễn ra.

Trong khi đó, thị trường altcoin không có phản ứng tích cực với sự kiện The Merge của Ethereum. Cùng với việc Bitcoin đánh mất ngưỡng hỗ trợ $20.000, đa phần các dự án altcoin đều chìm trong sắc đỏ.
Dẫn đầu đà giảm của top 100 là Ravencoin khi mất hơn 14% trong 24 giờ qua. Tuy nhiên trên khung thời gian 7 ngày, dự án vẫn đang ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng lên đến 54%. Theo sau đó là Gnosis (GNO), Ethereum Classic (ETC), eCash (XEC), NEAR Protocol (NEAR), Decred (DCR) khi đều mất hơn 5% giá trị trong ngày.
Top 10 mã token đứng đầu thị trường về vốn hóa cũng đều chìm trong sắc đỏ. BNB -1,41%, XRP -4,79%, ADAD -2,65%, SOL -4,29%, DOGE -2,24%.
Tâm lý thị trường đang ở mức thấp nhất kể từ đầu tuần khi đà bán tháo và tin tức tiêu cực liên tục diễn ra. Chỉ số Tham lam và Sợ hãi thị trường tiền điện tử (FGI) đã đâm sâu xuống vùng “Sợ hãi tột độ” (Extreme Fear) với mốc 20 điểm.

Các yếu tố vĩ mô
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (15/9), khi nhà đầu tư nghiền ngẫm những số liệu kinh tế trái chiều và tiếp tục bị ám ảnh bởi nỗi lo lãi suất. Giá dầu thô sụt hơn 3% vì đồng USD lên giá và mối lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tụt 1,13%, còn 3.901,35 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 173,27 điểm, tương đương giảm 0,56%, còn 30.961,82 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,43%, còn 11.552,36 điểm.
Cổ phiếu hãng phần mềm Adobe gây áp lực giảm mạnh lên Nasdaq và S&P 500 khi “bốc hơi” hơn 16% sau khi công ty tuyên bố mua lại Figma với giá 20 tỷ USD. Nhiều cổ phiếu công nghệ khác “vạ lây” Adobe, như Apple giảm 1,9% và Salesforce mất 3,4%.
Cổ phiếu ngân hàng là một điểm sáng trong phiên này, với Goldman Sachs và JPMorgan Chase cùng tăng hơn 1% mỗi cổ phiếu.
Phố Wall đang cố gắng đứng vững trở lại sau khi báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ vào hôm thứ Ba tuần này cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng mạnh hơn dự báo. Số liệu đó đã khiến chứng khoán Mỹ bán tháo trong phiên ngày thứ Ba, với chỉ số Dow Jones sụt hơn. 1.200 điểm. Thành quả của phiên phục hồi khiêm tốn vào ngày thứ Tư lại bị quét sạch trong phiên ngày thứ Năm.
Các số liệu kinh tế công bố ngày thứ Năm không thể giúp ích gì đáng kể trong việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu khả quan hơn dự báo, nhưng giá hàng hoá nhập khẩu giảm ít hơn kỳ vọng. Doanh thu bán lẻ vượt dự báo, nhưng lại âm nếu không tính nhóm ô tô. Dữ liệu ngành sản xuất cũng cho thấy một nền kinh tế đang giảm tốc.
Những con số thống kê này cho thấy lĩnh vực tiêu dùng ở Mỹ đang bám trụ tốt, nhưng điều đó không thể giúp giải toả nỗi lo về lạm phát dai dẳng. Nhà đầu tư lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải quyết liệt hơn nữa trong việc tăng lãi suất để chống lại lạm phát, từ đó làm gia tăng nguy cơ nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London sụt 3,5%, chốt ở 90,84 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tụt 3,38 USD/thùng, tương đương giảm 3,8%, còn 85,1 USD/thùng.
“Thủ phạm” khiến giá dầu trượt dốc phiên này là đồng USD tăng giá và duy trì ở mức cách không xa vùng đỉnh 20 năm thiết lập vào tuần trước. Đồng bạc xanh đang được hỗ trợ bởi kỳ vọng Fed tiếp tục tưang mạnh lãi suất.
Ngoài ra, giá dầu cũng chịu áp lực giảm từ mối lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Lãi suất tăng trên toàn cầu có thể gây suy thoái kinh tế, kéo theo nhu cầu dầu. Tuần này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói rằng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ giảm dần và ngưng trệ trong quý 4 năm nay.
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký một sắc lệnh yêu cầu rà soát các khoản đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực quan trọng như linh kiện bán dẫn và chuỗi cung ứng do lo ngại về an ninh quốc gia. Sắc lệnh yêu cầu Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) xem xét ảnh hưởng của tất cả giao dịch đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực nhằm điều chỉnh phù hợp với các ưu tiên về an ninh quốc gia của Chính phủ. Các ưu tiên này bao gồm: đảm bảo sức chống chịu của chuỗi cung ứng quan trọng, dẫn đầu về công nghệ, an ninh mạng và dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

Tổng thống Mỹ cũng yêu cầu CFIUS cân nhắc các giao dịch của nước ngoài trong bối cảnh xu hướng đầu tư có thể đe dọa an ninh quốc gia, ví dụ như giao dịch mua lại nhiều công ty trong cùng một lĩnh vực ngành.
Giá vàng thế giới rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020, dưới sức ép từ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và đồng USD vững giá trong bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng mạnh lãi suất vào tuần tới. Giá vàng miếng trong nước sáng nay (16/9) giảm nhưng không phản ánh hết mức giảm của giá vàng quốc tế, khiến chênh lệch giá lên gần 19 triệu đồng/lượng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm tại thị trường New York, giá vàng giao ngay “bốc hơi” 31,7 USD/oz, tương đương giảm gần 1,9%, còn 1.666,3 USD/oz. Lúc gần 9h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 2,6 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, đứng ở 1.668,9 USD/oz .
Tin khác:
- Mỹ “làm rõ” cách trừng phạt Tornado Cash
- SEC có thể “gây khó dễ” với mô hình staking ETH sau The Merge
Đánh giá bài viết này
Gửi đánh giá của bạn