Thị trường tiền điện tử ngày 14/09 Coin28: Bitcoin lao đầu, chứng khoán cùng crypto đỏ lửa
Ngày đăng: 14-09-2022 | 13:36:27
Bitcoin và thị trường chứng khoán đều quay đầu giảm mạnh sau khi Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 8.
Thị trường tiền điện tử
Bitcoin đã chứng kiến đà lao dốc mạnh mẽ từ vùng $22.200 xuống $20.200, ghi nhận mức lỗ 2000 USD và thiết lập đáy cục bộ tại $19.860. Cú dump này xóa sạch tất cả các khoản lợi nhuận đạt được trong đợt hồi phục từ 06/09. Nguyên nhân chính là do dữ liệu CPI của Hoa Kỳ được công bố tăng cao hơn so với dự kiến, chạm mức 8,3%.

Hiện tại giá Bitcoin đang giao dịch quanh $20.402, khối lượng giao dịch 24 giờ đạt 51 tỷ đô với áp lực bán tăng mạnh. Tuy nhiên, chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) vẫn nằm trong vùng hỗ trợ, điều này là tín hiệu cho thấy thị trường sẽ khó có thể tiếp tục giảm quá sâu. Ngoài ra, các đường trung bình động đơn giản 8 và 21 ngày đang di chuyển ngay trên giá BTC hiện tại cung cấp hiệu ứng sweep và coil hướng về phía tăng, nếu phe gấu không thể tiếp tục kéo giá xuống sâu hơn.
Dựa trên Lý thuyết sóng Elliott, Bitcoin vẫn có thể tăng lên ngưỡng trên khi phe gấu vẫn chưa đóng cửa phía dưới mô hình tam giác tại $19.853. Một vài nhận định lạc quan cho rằng, đà sụt giảm hiện tại có thể là fakeout (phá vỡ giả) cuối cùng trước khi đợt tăng trưởng tiếp theo xảy ra.
Theo Nomics, công cụ theo dõi chỉ số tiền điện tử, khối lượng giao dịch tiền điện tử trên tất cả các sàn giao dịch đã tăng 62% lên 739 tỷ USD trong tuần qua. Hoạt động giao dịch bằng đồng USD tăng 20% lên 134 tỷ USD trong 24 giờ qua.
Với đà giảm mạnh của Bitcoin, thị trường altcoin cũng ngập tràn trong sắc đỏ. Ethereum đang chịu đà giảm 5,62%, giao dịch quanh $1.610. ETH đã mất hơn 1.000 USD chỉ trong 12 giờ. Khối lượng giao dịch 24 giờ tăng đột biến 40% và đạt 23,5 tỷ USD.

Các mã token nằm trong top 10 vốn hóa thị trường đang chịu các mức giảm mạnh. BNB -4,38%, XRP -5,17%, ADA -5%, SOL -12,9%, DOT -5,86%.
Nhiều token khác trong top 100 cũng ghi nhận khoản lỗ sâu, dẫn đầu là The Graph (GRT) khi bốc hơi hơn 13% trong 24 giờ qua. Theo sau là Helium (HNT) và NEAR Protocol (NEAR) với mức giảm trên 11%. Các dự án khác như EOS (EOS), Monero (XMR), Flow (FLOW), Ravencoin (RVN), Solana (SOL) đều cho thấy mức giảm hơn 10% trong ngày.
Hôm qua tâm lý thị trường đang có mức hồi phục tốt khi chỉ số FGI ở mốc 35 điểm. Tuy nhiên sang ngày hôm nay, FGI tụt xuống ngưỡng 27, cho thấy tâm lý bất ổn đã trở lại trên thị trường.

Các yếu tố vĩ mô
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones “bay màu” 1.276,37 điểm, tương đương giảm 3,94%, còn 31.104,97 điểm. Đây là phiên lao dốc tồi tệ nhất của Dow Jones kể từ tháng 6/2020. Chỉ số S&P 500 mất 4,325, còn 3.932,69 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 5,16%, còn 11.633,57 điểm.
Trong số 500 thành viên của S&P 500, chỉ có 5 cổ phiếu chốt phiên trong trạng thái tăng. Công nghệ là nhóm bị bán đặc biệt mạnh, với Meta - công ty mẹ của mạng xã hội Facebook - sụt 9,4% và hãng chip Nvidia mất 9,5% giá trị.
Cú giảm này cuốn phăng gần như toàn bộ thành quả trong đợt phục hồi gần đây của thị trường, kéo S&P 500 về gần mức điểm đóng cửa 3.908 điểm của phiên ngày 6/9, đồng thời khiến một số nhà giao dịch lo ngại về khả năng xuất hiện trở lại của mức đáy hồi giữa tháng 6 - thời điểm khi chỉ số tham chiếu của thị trường chứng khoán Mỹ tụt dưới 3.700 điểm.
Tâm lý bi quan lan sang cả thị trường châu u, nơi lạm phát vốn dĩ cũng đang cao kỷ lục và Ngân hàng Trung ương châu u (ECB) gần đây cũng phát tín hiệu cứng rắn về chính sách tiền tệ. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu u chốt phiên với mức sụt 1,55%; CAC của Pháp giảm 1,39%; và DAX của Đức “bốc hơi” 1,59%.
Các con số trong bản báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 mà Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 13/9 đều cho thấy lạm phát ở nền kinh tế thế giới cao hơn dự báo. Trong đó, lạm phát toàn phần của tháng 8 tăng 0,1% so với tháng trước, bất chấp giá xăng dầu giảm. Lạm phát lõi tăng 0,6% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát toàn phần là 8,3%.
Trước đó, các chuyên gia kinh tế được Dow Jones khảo sát dự báo lạm phát toàn phần giảm 0,1% so với tháng trước, lạm phát lõi tăng 0,3% so với tháng trước, và lạm phát toàn phần tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là dữ liệu kinh tế quan trọng cuối cùng trước khi Fed tiến hành cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào ngày 20-21/9. Theo dự báo, Fed sẽ có đợt nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong cuộc họp này. Số liệu lạm phát tháng 8 cao hơn dự báo có thể dẫn tới việc Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất với những bước nhảy lớn trong thời gian tới, thay vì giãn tiến độ tăng lãi suất.
Phiên sụt giảm này diễn ra sau 4 phiên tăng liên tiếp của chứng khoán Mỹ - sự phục hồi xuất phát một phần từ niềm tin của nhiều nhà đầu tư rằng lạm phát đã qua đỉnh.
Giá dầu thô giằng co trong suốt phiên giao dịch ngày thứ Ba trước khi chốt phiên trong trạng thái giảm. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 0,88%, còn 93,17 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,5%, còn 87,31 USD/thùng.
Phiên này, giá dầu chịu áp lực giảm từ báo cáo lạm phát của Mỹ và sự tăng giá của đồng USD. Ngoài ra, việc Trung Quốc triển khai phong toả ở nhiều địa phương để chống Covid-19 cũng phủ bóng lên triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, kéo giá dầu đi xuống.
Dù vậy, giá “vàng đen” vẫn đang được hỗ trợ bởi triển vọng nguồn cung thắt chặt. Vào đầu tháng 12, Liên minh châu u (EU) sẽ chính thức thực thi lệnh cấm vận dầu Nga. Trong khi đó, cuộc đàm phán khôi phục thoả thuận hạt nhân giữ Iran với các cường quốc vẫn chưa có bước tiến mới. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng hai bên khó có khả năng sớm đạt thoả thuận.
Trong một báo cáo ra ngày 13/9, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) giữ nguyên dự báo cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2022 và 2023. Cơ sở mà OPEC đưa ra cho dự báo này là những dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế lớn đang chống chọi tốt hơn dự báo với những trở ngại lớn như lạm phát tăng vọt.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.699,5 USD/oz, giảm 3,4 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Ba tại thị trường New York - theo dữ liệu từ Kitco. Mức giá này tương đương 48,5 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
Chốt phiên đêm qua tại Mỹ, giá vàng giao ngay sụt 22,5 USD/oz, tương đương giảm 1,3%, còn 1.702,9 USD/oz.
Kỳ vọng mới về lãi suất đưa đồng USD bật tăng trở lại sau mấy ngày giảm liên tiếp. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD sáng nay dao động quanh mức 109,7 điểm, từ mức 108,3 điểm vào sáng hôm qua, tương đương tăng gần 1%.
Tin khác:
- Hàn Quốc ra lệnh bắt giữ Do Kwon, vụ Terra sắp có hồi kết?
- Dữ liệu CPI Hoa Kỳ tháng 8 chính thức được công bố, Bitcoin mất 2000 USD sau 12 giờ
Đánh giá bài viết này
Gửi đánh giá của bạn