Thị trường tiền điện tử ngày 11/11 Coin28: Bitcoin có đà phục hồi nhẹ cùng chứng khoán khi CPI tích cực

Tác giả: Duy Chiến
Ngày đăng: 11-11-2022 | 15:25:07

Ngày hôm qua dữ liệu CPI tháng 10 của Hoa Kỳ đã được công bố với các tín hiệu khả quan giúp thị trường phục hồi trở lại.

Thị trường tiền điện tử

Dữ liệu thị trường cho thấy giá Bitcoin đã có lúc chạm ngưỡng $18.199 để rồi quay lại vùng $17.300 trong hiện tại. Các khoản lỗ kể từ khi vụ FTX diễn ra đã được hồi phục phần nào. Khối lượng giao dịch trong 24h tuy giảm 32% so với trước đó nhưng vẫn ở mức cao và đạt giá trị 74,3 tỷ USD.

Biến động giá Bitcoin 24 giờ qua

Tín hiệu tích cực khi CPI và tuyên bố thất nghiệp ở mức tốt hơn kỳ vọng. Điều này sẽ khiến việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chậm lại và cơ quan này sớm có thể thay đổi chính sách diều hâu. Phân tích phản ứng của Bitcoin trên sổ lệnh Binance, Material Indicators cho thấy ngưỡng kháng cự gần nhất ở mức $18.500.

Đáng ra thị trường đã khá “quen thuộc” với những lần có tin tức vĩ mô như thế này, nên nhiều người kỳ vọng biến động giá không quá mạnh. Tuy nhiên, sự kiện FTX chấn động làm thay đổi hoàn toàn mọi hướng suy đoán trên thị trường. Do vậy, mức phục hồi của các token là khá yếu ớt, khi BTC chỉ có thể nhích nhẹ để rồi bị kéo về, trong khi ETH làm tốt hơn khi lên lại được 1.329 USD.

Top 10 mã token đứng đầu vốn hóa thị trường ngày 11/11/2022

Mã token chịu thiệt hại nặng nhất trong thời gian qua là FTT thì không hề có biến động tích cực nào khi vẫn đang nằm trong vùng đáy 2.8 USD. Trong khi SOL tạm nhảy vọt lên 17.50 USD khi tin đồn một lượng SOL chuẩn bị được unstake vào chiều ngày 10/11 qua đi mà không để lại tác động.

Cùng với đà hồi phục của Bitcoin, thị trường altcoin cũng cho thấy tín hiệu khởi sắc. Nhiều dự án trong top 100 đã bật tăng 2 chữ số, trong đó nổi bật nhất là Chiliz (CHZ) với mức tăng gần 40% trong ngày. Sau khi mất hơn 90% giá trị do khủng hoảng thanh khoản, token của sàn giao dịch FTX đã phục hồi hơn 35% trong 24 giờ qua và hiện FTT đang được giao dịch quanh $ 3,4. Các dự án khác như Polygon (MATIC), Solana (SOL), Lido DAO (LDO), Aptos (APT), Maker (MKR), Cosmos (ATOM), Kava (KAVA)… cũng bật tăng trên 20%.

Với đà phục hồi nhẹ, các nhà đầu tư đã bắt đầu phục hồi tâm lý sợ hãi. Chỉ số Tham lam và Sợ hãi (FGI) nhích nhẹ lên ngưỡng 25 nhưng vẫn đang ở vùng Extreme Fear.

Chỉ số FGI thị trường tiền điện tử ngày 11/11/2022

Các yếu tố vĩ mô

Chứng khoán Mỹ hồi phục sau dữ liệu CPI tháng 10

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh nhất kể từ năm 2020 trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (10/11), sau khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 làm dấy lên những tia hy vọng của nhà đầu tư rằng lạm phát có thể đã qua đỉnh. Giá dầu thô cũng tăng hơn 1% sau khi dữ liệu này được công bố.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 1.201,43 điểm, tương đương tăng 3,7%, chốt ở mức 33.715,37 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ khi chứng khoán Mỹ bắt đầu hồi phục từ đáy sâu của thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) do đại dịch Covid-19 gây ra. Chỉ số S&P 500 tăng 5,54%, đạt 3.956,37 điểm - mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Chỉ số Nasdaq tăng 7,35%, mạnh nhất kể từ tháng 3/2020, đạt 11.114,15 điểm.

Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy CPI tháng 10 của Mỹ chỉ tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cả năm thấp nhất của CPI kể từ đầu năm và thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,2% ghi nhận trong tháng 9, đồng thời thấp hơn so với mức dự báo tăng 0,6% và 7,9% mà giới chuyên gia đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Nếu không tính hai mặt hàng có biến động lớn là thực phẩm và năng lượng, CPI lõi chỉ tăng 0,3% trong tháng và tăng 6,3% trong vòng 1 năm, cũng thấp hơn so với dự báo.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lao dốc mạnh sau báo cáo CPI, với lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 10 năm sụt 30 điểm cơ bản, về 3,81%, từ mức hơn 4,1% trước đó. Sụt giảm này xảy ra khi các nhà giao dịch đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm bớt sự quyết liệt trong chính sách tiền tệ - nhân tố gây áp lực giảm lên giá cổ phiếu và trái phiếu ở Phố Wall suốt từ đầu năm đến nay.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm cũng giảm 30 điểm cơ bản, còn 4,32%. Đồng USD - tài sản mà xu hướng tăng mạnh gần đây cũng là một nguyên nhân khiến chứng khoán Mỹ trượt dốc - có phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2009 so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác.

“Lãi suất vẫn đang là nhân tố chi phối tất cả mọi thứ trên thị trường. Với số liệu CPI ngày hôm nay cho thấy lạm phát giảm nhiệt, thị trường đang đặt cược tương đối rõ ràng rằng việc tăng lãi suất đang đi tới hồi kết. Bởi vậy, các bạn thấy những cổ phiếu có độ nhạy cảm cao với lãi suất đang tăng giá rất tốt”, nhà quản lý quỹ Tim Courtney của Exencial Wealth phát biểu trong cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.

Cổ phiếu công nghệ, nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi lạm phát tăng và lãi suất tăng, chính là nhóm dẫn đầu sự tăng điểm mạnh mẽ của thị trường trong phiên này. Amazon chốt phiên với mức tăng 12,2%; Apple và Microsoft tăng hơn 8% mỗi cổ phiếu; Meta tăng hơn 10%; và Tesla tăng 7%.

Cổ phiếu các hãng sản xuất con chip cũng tăng mạnh, như Lam Research tăng 12%; AMD tăng hơn 11%; và KLA tăng 9%.

Phiên tăng này của chứng khoán Mỹ khiến nhiều người liên tưởng đến đợt hồi phục của thị trường bắt đầu hồi giữa tháng 10. Nhưng đợt phục hồi đó đã mất đà trong những tuần gần đây. Với phiên tăng ngày thứ Năm, Dow Jones đạt mức cao nhất kể từ tháng 8 và S&P 500 đã vượt ngưỡng 3.900 điểm - một mức cản kỹ thuật quan trọng.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,02 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, chốt ở 93,67 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,64 USD/thùng, tương đương tăng 0,8%, chốt ở 84,67 USD/thùng.

Sau 3 ngày giảm liên tiếp, giá dầu cuối cùng đã hồi phục khi nhà đầu tư hy vọng rằng với sự giảm nhiệt của lạm phát, Fed sẽ tăng lãi suất chậm lại hoặc thậm chí dừng tăng. “Dữ liệu CPI có thể tạo ra một bước ngoặt cho giá dầu. Vẫn còn nhiều bất ổn phía trước, nhưng mọi thứ đã bất ngờ trở nên tích cực hơn một chút”, nhà phân tích cấp cao Craig Erlam của Oanda nhận định với Reuters.

Việc đồng USD giảm giá hơn 2% cũng là một nhân tố quan trọng đưa dầu thô tăng giá phiên này. Dù vậy, giá dầu vẫn chịu áp lực giảm từ các biện pháp chống Covid-19 của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Dịch đang bùng phát ở Quảng Châu, và các biện pháp nghiêm khắc như xét nghiệm hàng loạt đang được áp dụng trở lại.

Chứng khóa Châu Á theo đà phục hồi tốt

Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản có lúc tăng 3,5%, tiến tới hoàn tất tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Giá cổ phiếu con chip tăng bùng nổ, đưa các chỉ số chứng khoán chính ở Đài Loan và Hàn Quốc tiến sau vào “vùng xanh”, với mức tăng tương ứng hơn 5% và hơn 3%. Thị trường Hồng Kông tăng hơn 5% sau khi các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc kêu gọi áp dụng các biện pháp có trọng điểm hơn để kiểm soát Covid.

Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản tăng 3%; S&P/ASX 200 của chứng khoán Australia tăng 2,4%; Shanghai Composite Index của Trung Quốc đại lục tăng hơn 1,5%.

Mới giảm giá mạnh nhất kể từ năm 2009 trong phiên ngày 10/11, các đồng tiền ở khu vực châu Á đã phục hồi mạnh mẽ so với đồng USD trong phiên này. Đồng Yên giữ ở cao nhất gần 2 tháng so với USD, dao động quanh ngưỡng 141,6 Yên đổi 1 USD. Hồi tháng 10, đồng Yên tụt giá xuống mức thấp nhất so với USD trong gần 3 thập kỷ.

Tỷ giá đồng Nhân dân tệ tại thị trường Trung Quốc đại lục dao động quanh mốc 7,18 Nhân dân tệ đổi 1 USD, cao nhất gần 1 tháng.

Lợi suất trái phiếu giảm xuống khi nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tiến gần hơn tới việc giảm tốc độ tăng lãi suất, sau khi số liệu từ Bộ Lao động Mỹ ngày 10/11 cho thấy lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã dịu đi.

Đợt hồi phục gần đây và thị trường chứng khoán Trung Quốc và sự trượt giá của đồng USD đã giúp chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng hơn 10% kể từ mức đáy thiết lập vào tháng 10. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục hạn chế đi lại ở một số thành phố lớn và đường đi của lãi suất trên toàn cầu vẫn còn chưa rõ ràng, triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vẫn còn khá mờ mịt.

Thị trường tài chính đang đặt cược khả năng 85% Fed nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm, thay vì 0,75 điểm phần trăm, trong cuộc họp tháng 12 - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch của sàn CME.

Đánh giá bài viết này

5/5 - (1 Bình chọn)

Tin khác:

- Thị trường tiền điện tử 12/11 Coin28: FTX nộp đơn phá sản khiến tương lai crypto tăm tối

- Meta sa thải số lượng kỷ lục 13% nhân viên, 11.000 người

Danh sách bài viết được xem nhiều