Thị trường tiền điện tử ngày 03/08: Chứng khoán cùng tiền điện tử chìm trong sắc đỏ khi căng thẳng Trung - Mỹ có nguy cơ leo thang

Tác giả: Duy Chiến
Ngày đăng: 03-08-2022 | 11:59:33

Giá Bitcoin đã đánh mất mốc quan trọng $23.000 và đang duy trì tại ngưỡng $22.819 sau những thông tin vĩ mô tiêu cực vì tình hình căng thẳng Trung - Mỹ.

Thị trường tiền điện tử

Dữ liệu thị trường cho thấy giá Bitcoin đã có lúc tăng lên trên $23.000, thiết lập đỉnh cục bộ trong ngày tại $23.450. Tuy nhiên khi có tin tức về việc bà Pelosi đã hạ cánh an toàn tại Đài Bắc, Đài Loan, thị trường lại tiếp tục điều chỉnh với BTC hiện đang dao động quanh $22.800.

Biểu đồ giá Bitcoin ngày 03/08/2022

Với hành động giá đi ngang trong vài ngày gần đây, BTC đang đối mặt với nguy cơ không thể giữ vững được các đường xu hướng quan trọng vì bị ảnh hưởng từ các tin tức vĩ mô tiêu cực.

Trong khi đó, với các công cụ phân tích thị trường, công ty giao dịch QCP Capital xác nhận rằng, Bitcoin khó có thể sẽ kiểm tra lại mức đáy năm 2022 tại $17.600. Tuy nhiên, họ cũng không loại trừ việc “đồng tiền mã hóa có khả năng phá vỡ mức đáy hiện tại”. Trong trường hợp tồi tệ nhất, Bitcoin có thể hướng đến mức đáy mới tại $10.000. Công ty xác nhận rằng, điểm xoay tạm thời có thể nằm tại mức thoái lui Fibonacci $28.700.

Với đà điều chỉnh của Bitcoin, thị trường altcoin cũng đã ghi nhận đà giảm trong ngày hôm qua. Theta Network (THETA) dẫn đầu đà giảm trong 24 giờ qua, khi ghi nhận khoản lỗ 13,3%. Theo sau là Chiliz (CHZ), Waves (WAVES) và Flow (FLOW) với đà giảm hơn 9%.

Top 10 đồng tiền mã hóa đứng đầu thị trường ngày 03/08/2022

Nhiều mã token khác cũng đã giảm hơn 8% trong ngày bao gồm yearn.finance (YFI), Hedera (HBAR), Gala (GALA), Ravencoin (RVN), NEM (XEM), Celo (CELO)…

Ethereum (ETH) cũng đang ra sức bảo vệ khu vực $1.600 với đà giảm nhẹ 0,35% trong 24 giờ. Hiện tại, token hợp đồng thông minh đang được giao dịch quanh ngưỡng $1.614.

Các mã token nằm trong top 10 vốn hóa thị trường tuy phải chịu ảnh hưởng nhưng vẫn thành công trong việc giữ vững mức giá trước đó. Trong khung biến động 24 giờ, BNB, ADA và DOGE thậm chí tăng trưởng 2%. Token của nhà Solana có lẽ phải chịu thiệt hại nhất khi giảm tới 4% vì ảnh hưởng của vụ hack ngay trong đêm qua.

Tâm lý thị trường tiếp tục có đà hồi phục tốt, chỉ số Tham lam và Sợ hãi (FGI) tăng từ mốc 31 vào ngày hôm qua lên mốc 34 cho tới hiện tại.

Chỉ số FGI thị trường tiền điện tử ngày 03/08/2022

Các yếu tố vĩ mô

Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm vào ngày thứ Ba (02/8), khi căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc do chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Nancy Pelosi và các nhà đầu tư phản ứng với nhận định từ Chủ tịch Cục dự trữ Llên bang Mỹ (Fed) về chính sách sắp tới của ngân hàng trung ương.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số S&P 500 giảm 0,67% xuống 4.091 điểm. Chỉ số Dow Jones lùi 402 điểm còn 32.396 và Nasdaq Composite hạ 0,16% xuống 12.348 điểm.

Chứng khoán Mỹ liên tục trồi sụt vào đầu phiên chiều, phản ứng với nhiều nhận định từ các Chủ tịch Fed khu vực, tất cả đều dội gáo nước lạnh vào ý tưởng rằng, ngân hàng trung ương sẽ sớm hạ lãi suất xuống vào bất cứ lúc nào.

Chủ tịch Fed khu vực Chicago, Charles Evans, dự báo ngân hàng trung ương có thể nâng lãi suất thêm 0.5 điểm phần trăm vào tháng 9 và sau đó tiếp tục nâng thêm 0.25 điểm phần trăm cho đến đầu quý 2/2023. Chủ tịch Fed khu vực San Francisco, Mary Daly, cho biết ngân hàng trung ương vẫn còn nhiều việc phải làm để đối phó với lạm phát.

Theo Loretta Mester, Chủ tịch Fed khu vực Cleveland, sẽ cần thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đã đạt đỉnh trước khi ngân hàng trung ương kết thúc chu kỳ nâng lãi suất.

Trong khi nền kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm và cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn, căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan lại đang gia tăng. Chủ tịch thứ 52 của Hạ viện Hoa Kỳ, Nancy Pelosi, có kế hoạch thăm Đài Loan và Nhà Trắng nói rằng Trung Quốc đang chuẩn bị thực hiện “các hành động khiêu khích quân sự”. Hơn nữa, trong vài tuần qua, xuất hiện các báo cáo rằng nền kinh tế toàn cầu có thể suy thoái nếu xuất hiện cuộc tấn công quân sự của Trung Quốc vào Đài Loan.

Theo Reuters và CNN cũng xác nhận rằng bà Pelosi đã đến thăm Đài Loan, bất chấp việc làm này có khả năng khiêu khích Trung Quốc. Trong khi nước này được quản lý độc lập với Trung Quốc đại lục, Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Tuy nhiên, Tổng thống Đài Loan, Tsai Ing-wen và Đảng Dân chủ Tiến bộ của đất nước này đã hoạt động độc lập kể từ năm 1949. Bà Pelosi là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm và gặp gỡ các nhà lãnh đạo Đài Loan kể từ khi cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Newt Gingrich, đến thăm nước này vào năm 1997.

Nhà đầu tư cũng đang hướng đến một loạt kết quả kinh doanh khác từ các công ty như Starbucks, PayPal và Advanced Micro Devices, dự kiến công bố sau phiên giao dịch ngày thứ Ba.

Về dữ liệu kinh tế, nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ, sẽ được công bố vào ngày 5/8 để có thêm manh mối về tình trạng của nền kinh tế và thị trường lao động.

Trước lo ngại suy thoái, căng thẳng Mỹ-Trung, giá vàng thế giới đã giảm nhẹ. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng vàng giao ngay mất 0,27% xuống 1.767 USD/oz, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 05/7/2022 là 1.780 USD/oz vào đầu phiên. Hợp đồng vàng tương lai giảm 0,24% còn 1. 783 USD/oz.

Ngược lại với vàng, giá dầu tăng gần 1% trước khi diễn ra cuộc họp của các nhà sản xuất OPEC+ trong tuần này. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent tăng 51 cent (khoảng 0,5%) lên 100 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI tăng 0,6% lên 94 USD/thùng. Trong khi đó, chỉ số đô la Mỹ (DXY) đã tận dụng các sự kiện vĩ mô làm động lực để hướng tới mốc 106 một lần nữa.


 

Đánh giá bài viết này

5/5 - (1 Bình chọn)

Tin khác:

- CEO MicroStrategy mất ghế, công ty lỗ 918 triệu USD vì Bitcoin

- Gucci trở thành thương hiệu cao cấp đầu tiên chấp nhận thanh toán bằng ApeCoin

Danh sách bài viết được xem nhiều