Thị trường tiền điện tử 7/11 Coin28: Cuộc chiến của CZ và Sam Bankman làm thị trường đảo chiều giảm

Tác giả: Duy Chiến
Ngày đăng: 07-11-2022 | 14:56:07

Bitcoin đã có đà phục hồi tốt cuối tuần qua nhưng sự kiện xả token sàn FTX của CEO Binance đã khiến thị trường quay đầu giảm mạnh.

Thị trường tiền điện tử

Sau khi thiết lập mức đỉnh trong 9 tuần và vượt lên trên đường MA 100, Bitcoin dường như đang mất dần động lực khi không thể bảo vệ mức $21.000 và đóng cửa hàng ngày bên dưới khu vực này. Cho đến hiện tại giá BTC đang giao quanh ngưỡng $20.800 và đang có dấu hiệu tiếp tục giảm. Đà đi xuống còn được thêm động lực bởi FUD giữa CEO của Binance và FTX. Ngay sau tuyên bố xả FTT của CZ, khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch bất ngờ tăng vọt, bất chấp đang là ngày cuối tuần. Giá trị giao dịch trong 24 giờ của Bitcoin đã đạt 40,4 tỷ USD, tăng mạnh 20% so với ngày trước đó.

Biến động giá Bitcoin 24 giờ qua

Từ quan điểm phân tích kỹ thuật truyền thống, nếu breakout tăng giá xảy ra trên đường MA200 sẽ đánh dấu sự khởi đầu của thị trường gấu mới. Thị futures đóng một vai trò quan trọng trong chu kỳ gần đây. Vì vậy, đánh giá tâm lý thị trường futures sẽ cung cấp bằng chứng hữu ích để xác định hành động giá trong tương lai. Dữ liệu Taker Buy Sell Ratio định lượng tâm lý của các trader bằng cách chứng minh liệu phe bò hay phe gấu đang chiếm ưu thế. Chỉ số Taker Buy Sell Ratio gần đây đã xuống dưới 1, cho thấy phe gấu đang tích cực mở các vị thế short trên thị trường. Nếu chỉ số này tiếp tục có xu hướng thấp hơn, thì đà sụt giảm mạnh có thể xảy ra trong tương lai, tương tự như đợt điều chỉnh vào tháng Tư.

Top 10 token đứng đầu vốn hóa thị trường ngày 07/11/2022

Altcoin quay đầu giảm nhẹ sau khi Bitcoin đóng cửa hàng ngày bên dưới $21.000. Ethereum (ETH) cũng không thể bảo vệ thành công ngưỡng $1.600, khi quay đầu giảm gần 3% trong 24 giờ qua. Hiện tại, token hợp đồng thông minh đang được đổi chủ quanh mức $1.580.

Solana (SOL) hiện là dự án trong top 100 cho thấy khoản lỗ lớn nhất trong ngày, khi bốc hơi gần 10%, theo sát sau đó là Uniswap (UNI) với mức giảm 9%. Các dự án khác như Aave (AAVE), Huobi Token (HT), The Graph (GRT), Helium (HNT), Dogecoin (DOGE), Mina (MINA), FTX Token (FTT)… cũng cho thấy đà giảm từ 6 – 8% trong ngày. Điều đặc biệt là FTT đang cho thấy sự đấu tranh kịch liệt giữa phe mua và bán mà đại diện là CZ Binance và Sam Bankman FTX. Giá liên tục giằng co giữa $25 và $22 với lực giao dịch mạnh khi cả 2 phe đều muốn đẩy xuống vùng thấp hơn hoặc giữ vững. 

Đà giảm đang hiện hữu khiến tâm lý hào hứng những ngày trước đó nhanh chóng đi xuống. Chỉ số đo lương tâm lý nhà đầu tư FGI đã đánh mất mốc 40 tích cực để trở lại ngưỡng 33 điểm tại vùng Fear.

Chi số FGI giảm mạnh khi cuộc chiến giữa Binance và FTX được khơi mào

Các yếu tố vĩ mô

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch cuối tuần trước, nhưng hoàn tất một tuần giảm điểm, trong bối cảnh nhà đầu tư tranh luận về ảnh hưởng của thống kê việc làm mới nhất đến các đợt tăng lãi suất sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Giá dầu thô tăng bùng nổ vì nỗi lo thiếu cung, bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn hiện hữu.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 401,97 điểm, tương đương tăng 1,26%, còn 32.403,22 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,36%, đạt 3.770,55 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,28%, đạt 10.475,25 điểm.

Cả ba chỉ số cùng giảm điểm trong tuần này, với Dow Jones giảm 1,4%, chấm dứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp. S&P 500 và Nasdaq giảm tương ứng 3,35% và 5,65%, chấm dứt chuỗi 2 tuần tăng liên tiếp.

Báo cáo việc làm tháng 10 do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày thứ Sáu khiến nhà đầu tư tranh cãi. Một số lo ngại rằng con số 261.000 việc làm mới, nhiều hơn dự báo, sẽ là cơ sở để Fed duy trì lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn để chống lạm phát. Số khác lại cho rằng thị trường lao động đã bắt đầu có dấu hiệu giảm nhiệt, dù với tốc độ còn chậm chạp, vì tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 3,7%.

“Đã có hai câu chuyện khác nhau về cùng một chủ đề được nói đến trên thị trường ngày hôm nay. Tôi không cho là nhà đầu tư đã kết luận được chính xác số liệu việc làm này có ý nghĩa như thế nào sau những tín hiệu mà Fed phát đi sau cuộc họp vào tuần này”, chiến lược gia trưởng Anthony Saglimbene của Ameriprise Financial nhận định với hãng tin CNBC.

Những ngày gần đây, giới đầu tư ở Phố Wall cố gắng giải mã những phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra vào hôm thứ Tư, nhằm xác định xem đến khi nào thì Fed có thể dịch chuyển sang một lập trường mềm mỏng hơn, chẳng hạn giảm bớt mức tăng của mỗi lần tăng, dừng tăng lãi suất, hoặc thậm chí là hạ lãi suất.

Tuần tới, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư sẽ là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10. Nếu lạm phát giảm, đó được xem là dấu hiệu cho thấy rằng những đợt nâng lãi suất tính đến thời điểm này đã bắt đầu phát huy tác dụng và có thể sắp đến lúc Fed dịch chuyển. Ngoài ra, sự chú ý của nhà đầu tư trong tuần tới cũng sẽ hướng đến cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào ngày 8/11.

Động thái tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ tư liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 2/11 là sự tiếp tục của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt nhất của Ngân hàng Trung ương này kể từ đầu thập niên 1980. Điều khiến giới chuyên gia lo ngại hơn là tín hiệu từ Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng chưa đến lúc giảm tốc độ của chiến dịch chống lạm phát và đỉnh của lãi suất sẽ phải cao hơn.

Thiếu vắng một tín hiệu mềm mỏng từ Fed, khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái gần như đã chắc chắn. Không chỉ vậy, sự cứng rắn của Fed còn có thể kéo kinh tế toàn cầu suy thoái theo và thị trường tài chính cũng khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực.

Chu kỳ thắt chặt này của Fed bắt đầu từ tháng 3 năm nay. Sau hai đợt nâng “rón rén” đầu tiên với bước nhảy 0,25 và 0,75 điểm phần trăm, Fed đã mạnh dạn áp dụng bước nhảy 0,75 điểm phần trăm lần đầu tiên kể từ năm 1994 và trong 4 cuộc họp liên tiếp kể từ tháng 6 tới nay. Như vậy, chỉ trong vòng 8 tháng, lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate) đã tăng thêm 3,75 điểm phần trăm, lên mức 3,75-4%, cao nhất kể từ tháng 1/2008.

Fed nói “sẽ tính đến mức độ thắt chặt đã đạt được trong chính sách tiền tệ, độ trễ của hiệu ứng chính sách tiền tệ đối với hoạt động kinh tế và lạm phát, cùng các diễn biến kinh tế và tài chính” khi quyết định các đợt nâng lãi suất trong tương lai. Tuy nhiên, Chủ tịch Powell đã “dội gáo nước lạnh” vào kỳ vọng của thị trường về một sự giảm tốc của lãi suất. Về cơ bản, ông Powell bác bỏ ý tưởng rằng Fed có thể sớm dừng tăng lãi suất, dù ông có nói Fed có thể bàn chuyện tăng lãi suất chậm lại trong 1-2 cuộc họp tới. Ông cũng tái khẳng định quan điểm rằng việc chống lạm phát đòi hỏi quyết tâm và kiên nhẫn, và đỉnh của lãi suất - mức mà ở đó Fed dừng tăng - sẽ phải cao hơn.

Sau phiên tăng bùng nổ vào hôm thứ Sáu tuần trước, giá vàng thế giới sáng nay (7/11) quay đầu đi xuống và kéo giá vàng trong nước giảm theo. Giới phân tích tiếp tục giữ quan điểm thận trọng về giá vàng, cho rằng môi trường lãi suất tăng và xu hướng đi lên của tỷ giá đồng USD sẽ còn gây nhiều áp lực giảm lên giá kim loại quý.
Lúc gần 9h sáng theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.674,9 USD/oz, giảm 8,8 USD/oz, tương đương giảm hơn 0,5%, so với đóng cửa cuối tuần trước tại New York - theo dữ liệu từ Kitco.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của đồng USD khởi động tuần mới trong xu thế tăng nhẹ. Lúc gần 9h, chỉ số đạt gần 111,1 điểm, tăng 0,2% so với đóng cửa cuối tuần trước.

Suốt cả tuần trước, giá vàng giằng co mạnh giữa những luồng quan điểm trái chiều. Lúc đầu, thị trường kỳ vọng Fed sẽ phát tín hiệu mềm mỏng hơn trong cuộc họp vào ngày 1-2/11, và do đó “phập phồng” hy vọng vào một đợt phục hồi bền vững của giá vàng. Tiếp đó, đợt tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ tư liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cộng thêm những phát biểu cứng rắn của Chủ tịch Fed Jerome Powell đã dập tắt kỳ vọng trên, khiến giá vàng sụt giảm mạnh. Đến ngày thứ Sáu, những hy vọng mới lại nổi lên sau khi báo cáo việc làm tháng 10 của Mỹ được công bố.
 
 

Đánh giá bài viết này

5/5 - (1 Bình chọn)

Tin khác:

- CEO FTX Sam Bankman-Fried đã tài trợ 39,2 triệu đô la cho cuộc bầu cử sắp tới của Hoa Kỳ

- Trào lưu xây dựng Web3 bắt đầu nở rộ tại Việt Nam

Danh sách bài viết được xem nhiều