Thị trường tiền điện tử 7/03 Coin28: Bitcoin tiếp tục giao dịch trong phạm vi hẹp quanh 22.000, thị trường tăng nhẹ

Tác giả: Tạ Thị Thu Trang
Bài viết được update ngày: 12-03-2023 | 14:23:15

Bitcoin cùng toàn thị trường di chuyển quanh vùng hẹp khi chờ đợi các tin tức từ phiên điều trần của Chủ tịch Fed, Jerome Powell trước Quốc hội Mỹ.

Thị trường tiền điện tử

Dữ liệu thị trường cho thấy giá Bitcoin vẫn đang bám chặt quanh mức $22.400 với khối lượng giao dịch trong 24 giờ chỉ khoảng 18 tỉ USD.

Biến động giá Bitcoin trong 24 giờ qua

Đi ngang trong suốt cuối tuần, thị trường hiện mang lại rất ít cơ hội giao dịch khi những lo ngại gia tăng về tác động của dữ liệu kinh tế vĩ mô sắp tới từ Hoa Kỳ.

Cụ thể, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2, dự kiến công bố vào ngày 14/3, dự kiến sẽ “nóng” hơn mức mong đợi, nhà phân tích của Venturefounder cho biết.

“Bitcoin hình thành đáy cao hơn và phân kỳ RSI tiếp tục giảm. Với con số CPI nóng hổi và cuộc họp của FOMC vào cuối tháng này, tháng 3 có thể là một tháng tồi tệ đối với các tài sản rủi ro bao gồm cả BTC. Nếu sự cố xảy ra, thị trường sẽ nhắm mục tiêu $19.000”.

Các ý kiến khách vạch ra hướng đi tiềm năng của BTC trong tương lai khi về dưới $20.000 và nêu bật sự phân kỳ giảm giá trong chỉ số sức mạnh tương đối (RSI), được hình thành khi quỹ đạo của chỉ số này đi theo hướng ngược lại với giá.

Chỉ số CPI có xu hướng gây ra biến động ngắn hạn đối với các tài sản rủi ro, tuy nhiên, điều này thường tồn tại trong thời gian ngắn.

Trader nổi tiếng, Crypto Ed, cũng dự đoán rằng $19.000 là nơi đánh dấu mức giá sàn cục bộ tiếp theo của BTC.

“Bẫy tăng giá lớn nhất từ trước đến nay, nhưng thị trường đã chạm đáy. BTC có khả năng quay về $19.000 trước khi vượt mốc $30.000”.

Trong ấn bản mới của Weekly Open, trader có biệt danh DonAlt cho biết Bitcoin hiện đang đối mặt với ngưỡng kháng cự mạnh trên tất cả các khung thời gian. Với việc Bitcoin đang cố gắng lấy lại ngưỡng $23.000, nhà phân tích tin rằng cấu trúc thị trường tăng giá của BTC vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng thời gian dành cho phe bò BTC đang sắp cạn kiệt.

“Hiện tại, BTC vẫn chưa tạo ra mức đáy mới, trong khi đó đã hình thành đỉnh cao hơn. Thế nhưng, thị trường vẫn cần lấy lại khu vực $23.000, nếu không, phe bò vẫn sẽ phải đối mặt với viễn cảnh khá tồi tệ”.

Nếu phe bò Bitcoin không thể lấy lại $23.000 trong thời gian ngắn, DonAlt tin rằng việc BTC điều chỉnh xuống $20.000 là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, việc giảm xuống mức này không nhất thiết có nghĩa là breakout vào năm 2023 của Bitcoin đã kết thúc.

“Ngay cả khi chúng ta quay trở lại mức $20.000, thì đây vẫn là thị trường tăng trưởng. $20.000 với mức giảm 10% từ ngưỡng hiện tại sẽ làm “tổn thương” nhiều nhà đầu tư, nhưng đây chỉ là sự thoái lui tạm thời”.

Các mã token đứng đầu vốn hóa thị trường 7/3/2023

Altcoin tăng nhẹ khi BTC tiếp tục đi ngang trong phạm vi hẹp bên trên $22.000. Trong 24 giờ qua, Decentraland (MANA) là dự án có hoạt động tốt nhất, với mức tăng gần 8%. Theo sau đó là GMX (GMX) cùng khoản lợi nhuận gần 7%. Các dự án khác như Optimism (OP), Fantom (FTM), ImmutableX (IMX), Aptos (APT), Enjin Coin (ENJ), Theta Network (THETA), Neo (NEO), NEM (XEM)… tăng từ 4-5%.

Ethereum (ETH) tiếp tục có hành động giá bám sát theo BTC. Trong ngắn hạn, tài sản có vốn hoá lớn thứ 2 trên thị trường vẫn đang giao dịch trong phạm vi hẹp bên trên $1.550 và hiện đang được giao dịch quanh $1.570, tăng nhẹ 0,4% so với hôm qua.

Các yếu tố vĩ mô

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (6/3), duy trì xu thế tăng của tuần trước trong bối cảnh nhà đầu tư bước vào một tuần bận rộn với các thông tin kinh tế. Giá dầu thô cũng đi lên nhờ kỳ vọng vào tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở Trung Quốc.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 40,47 điểm, tương đương tăng 0,12%, chốt ở 33.431,44 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,07%, đạt 4.048,42 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,11%, còn 11.675,74 điểm.

Vào thời điểm đạt đỉnh của phiên, Dow Jones tăng 181 điểm và Nasdaq tăng gần 1,2%.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng nhẹ, với lợi suất của kỳ hạn 1 năm về cuối phiên chỉ tăng hơn 1 điểm phần trăm, sau khi nhiều lần vọt qua ngưỡng chủ chốt 4% trong tuần trước. Xu hướng tăng của lợi suất thời gian gần đây phản ánh nỗi lo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên mức cao hơn và giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lân hơn. Lợi suất tăng cũng đẩy cao lãi suất các khoản vay tiêu dùng và có thể là một dấu hiệu cho thấy sự suy giảm niềm tin của người tiêu dùng.

Mặc những biến động này, một số cổ phiếu công nghệ vẫn tăng khá mạnh. Apple tăng gần 2% sau khi được ngân hàng Goldman Sachs đưa ra khuyến nghị mua. Với tỷ trọng 7% trong tổng vốn hoá của S&P 500, việc Apple tăng phiên này đã tạo ra một cú huých cho chỉ số. Các cổ phiếu Alphabet và Microsoft cùng có một phiên xanh nhẹ.

Nhà đầu tư đang chờ phiên điều trần của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trước Quốc hội nước này vào ngày thứ Ba và thứ Tư. Những phát biểu của ông Powell trong lần xuất hiện này sẽ là định hướng cho nhà đầu tư hiểu rõ hơn quan điểm của Fed về lạm phát và chiến dịch nâng lãi suất. Từ đó, thị trường có thể xác định hướng đi tiếp theo cho giá các tài sản.

“Sẽ là khôn ngoan khi thị trường không quá vội vã, vì tuần này là một tuần quan trọng, có thể thay đổi hướng đi của các tài sản”, chuyên gia Quincy Krosby của LPL Financial nhận định khi giải thích về sự “lình xình” của thị trường trong ngày thứ Hai - phiên mở màn của một tuần bận rộn.

Ngoài hai cuộc điều trần của ông Powell trước Thượng viện và Hạ viện, tuần này còn có một số dữ liệu kinh tế Mỹ quan trọng được công bố, đặc biệt là báo cáo việc làm tháng 2. Các chuyên gia kinh tế được hãng tin Dow Jones khảo sát dự báo khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế Mỹ có thêm 225.000 công việc mới trong tháng 2, sau khi thị trường đạt mức trưởng bùng nổ với số đầu việc mới lên tới 517.000 trong tháng 1.

Chính số liệu việc làm tháng 1 quá tốt so với dự báo là một nguyên nhân gây áp lực giảm lên thị trường trong thời gian gần đây, bên cạnh các số liệu cho thấy lạm phát giảm chậm. Đó là bởi sự thắt chặt kéo dài của thị trường lao động đồng nghĩa với việc Fed sẽ phải kéo dài chiến dịch nâng lãi suất để chống lạm phát.

Chứng khoán châu Âu giảm điểm trong phiên đầu tuần, cũng vì nỗi lo lãi suất tiếp tục tăng. Chỉ số Stoxx 600 giảm 0,02%.

Các thị trường mới nổi tăng 0,58%; chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 0,49%; chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 1,11%; và chỉ số MSCI của chứng khoán toàn cầu tăng 0,27%.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,41%, chốt ở 86,18 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,98%, chốt ở 80,46 USD/thùng.

Dù tiếp tục chịu áp lực giảm từ mối lo lãi suất tăng trên toàn cầu, giá dầu thô phiên này được hỗ trợ khi đồng USD giảm giá. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đóng cửa với mức giảm gần 0,2%.

Ngoài ra giá dầu cũng được nâng đỡ bởi kỳ vọng về sự khởi sắc của nhu cầu của Trung Quốc. Giới đầu tư cho rằng trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc đang diễn ra, nước này sẽ công bố thêm các biện pháp hỗ trợ sự phục hồi nền kinh tế sau khi gỡ bỏ chính sách Zero Covid.

Trong một dấu hiệu cho thấy triển vọng nhu cầu dầu tốt lên, Saudi Arabia có tháng thứ hai liên tiếp nâng giá bán dầu thô nhẹ Arab - loại dầu xuất khẩu chủ lực của nước này - cho các khách hàng ở khu vực châu Á.

Đánh giá bài viết này

0/5 - (0 Bình chọn)

Tin khác:

- Chính phủ Thái Lan chấp nhận thất thu 1 tỉ USD để miễn thuế cho các công ty phát hành token gọi vốn

- Thị trường tiền điện tử 6/03 Coin28: Bitcoin đóng 2 tuần liên tiếp trong sắc đỏ, altcoin giảm nhẹ

Danh sách bài viết được xem nhiều