Thị trường tiền điện tử 18/12 Coin28: Bitcoin tiếp tục sideway quanh mốc 16.700 khi altcoin phục hồi nhẹ
Ngày đăng: 19-12-2022 | 11:08:47
Bitcoin đã thiết lập đáy cục bộ trong ngày bên dưới vùng $17.000 và vẫn chưa cho thấy bất cứ dấu hiệu tăng trưởng trở lại.
Thị trường tiền điện tử
Đơn vị kiểm toán Mazars đã tuyên bố ngừng cung cấp dịch vụ kiểm toán cho các sàn crypto như Binance, KuCoin, Crypto.com và xóa bỏ mọi báo cáo tài sản kiểm kê trước đó. Sự việc này đã làm dấy lên lo ngại về nguồn tài sản giữ trữ của 3 sàn này có đúng như lời cam kết trước đó. Ngay lập tức toàn thị trường lao dốc khi tâm lý các nhà đầu tư lúc này đang rất nhạy cảm với các tin tức xấu đưa ra.
Giá Bitcoin sau thông tin tích về mức tăng lãi suất của FED thấp đúng như mong đợi đã đạt đỉnh 7 ngày tại gần $18.300. Tuy nhiên sau tin tức xấu của Mazars được đưa ra, BTC đã đánh mất tất cả mức hồi phục trước đó và quay trở lại vùng $16.700. Khối lượng giao dịch ngày cuối tuần cũng ảm đạm khi ở mức 17 tỉ đô.

Bitcoin vẫn thiếu tín hiệu on-chain cho thị trường tăng giá. Nhà phân tích David Puell cho biết, Bitcoin cần thêm một tín hiệu quan trọng on-chain để làm tín hiệu khởi động thị trường tăng giá cổ điển.
Trong dòng tweet vào ngày 17/12, Puell Multiple lập luận rằng, giai đoạn này gần như đã sẵn sàng để kết thúc của thị trường gấu.
Mặc dù nhiều người dự đoán mức thấp mới của BTC là dưới $12.000 trong chu kỳ này, nhưng một vài ý kiến vẫn lạc quan cho tương lai sắp tới. Đối với Puell, có hai hiện tượng thiết yếu on-chain cần xuất hiện để giá BTC bắt đầu phục hồi.
Holder dài hạn (LTH) đang chống lại mong muốn bán ra mặc dù Bitcoin đã giảm hơn 70% so với mức ATH. Đồng thời, các “nhà đầu cơ” ngắn hạn đang trải qua cảm giác “thua lỗ” trước hành động giá gần đây và hầu hết số này đã rời khỏi thị trường.
Puell tin rằng, tất cả những gì còn thiếu là sự gia tăng hoạt động của mạng lưới từ tất cả những người tham gia.
“Có 3 yếu tố on-chain cần thiết cho một đợt tăng giá: 1. Hành vi nắm giữ từ các nhà đầu tư dài hạn. 2. Thiệt hại nặng nề từ các nhà đầu cơ ngắn hạn. 3. Hoạt động mạng lưới tăng mạnh trên diện rộng. Cá nhân tôi đã thấy yếu tố đầu tiên đã xuất hiện, nhưng yếu tố thứ 2 và 3 vẫn chưa có nhiều ấn tượng”.
Ông cũng nói thêm rằng, các điều kiện vĩ mô “thuận lợi” sẽ hỗ trợ quá trình đảo chiều.
Các nhà phân tích đang sử dụng quan điểm này để kêu gọi người dùng bình tĩnh trước hiệu suất giá BTC hiện tại. Một vài chuyên gia phân tích cho rằng BTC hiện tại chỉ đơn giản là sao chép hành vi thị trường gấu trước đó.
Bằng chứng được đưa ra dưới dạng điểm số MVRV-z của Bitcoin, chỉ báo so sánh vốn hóa thị trường so với vốn hoá thực tế. Dilution-proof ban đầu được gọi đây là chỉ báo “Market-Value-to-Realized-Value Temperature (MVRVT)”.
Hiện tại, các biểu đồ đi kèm cho thấy tín hiệu hình thành đáy trong thị trường gấu. Theo nhà phân tích, Bitcoin “chỉ đang làm những gì nó từng làm trong mỗi chu kỳ, sau sự kiện halving”.

Thị trường altcoin đang dần ổn định sau đợt giảm giá mạnh của Bitcoin từ trên $ 18.000 xuống dưới $ 17.000. Trong 24 giờ qua, các dự án nổi bật trong top 100 đã cho thấy đà hồi phục nhẹ.
Dẫn đầu đà phục hồi này là UNUS SED LEO (LEO). Token được phát hành bởi bởi iFinex, công ty chủ quản của sàn Bitfinex và Ethfinex, đã ghi nhận mức tăng hơn 6% trong ngày. Theo sát sau đó là Toncoin với khoản lợi nhuận hơn 5%. Trong khung thời gian hàng tuần, token tiện ích của hệ sinh thái TON đã cho tháy hiệu suất hoạt động ấn tượng bất chấp đà giảm của thị trường, khi bật tăng 36%. Các dự án khác như Arweave (Ar), Internet Computer (ICP), Algorand (ALGO), Terra Classic (LUNC), BNB (BNB), TRON (TRX), Zcash (ZEC)… cũng phục hồi từ 3-5%.

Các yếu tố vĩ mô
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (16/12), hoàn tất một tuần trượt dốc trong bối cảnh mối lo suy thoái kinh tế ngày càng lớn. Giá dầu thô cũng “bốc hơi” thêm hơn 2 USD/thùng vì nhà đầu tư lo rằng nhu cầu tiêu thụ năng lượng sẽ sụt giảm nhiều hơn nguồn cung.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 281,76 điểm, tương đương giảm 0,85%, còn 32.920,46 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1,11%, còn 3.852,36 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,97%, còn 10.705,41 điểm.
Cổ phiếu ở Phố Wall đang ở trong một cuộc bán tháo cuối năm, khi phủ bóng lên thị trường là nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ, thậm chí trên toàn cầu, khi Cục Dự trữ Liên bag Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác tiếp tục tăng lãi suất.
Tuần này là tuần giảm thứ hai liên tiếp của chứng khoán Mỹ. S&P 500 mất 2,08% cả tuần, nâng mức giảm trong tháng 12 này lên 5,58%, dập tắt hy vọng trước đó của nhà đầu tư về một cuộc hồi phục cuối năm. Dow Jones và Nasdaq giảm tương ứng 1,7% và 2,7% trong tuần này.
Tương tự như phiên trước, bán tháo của phiên này diễn ra trên diện rộng, cứ 3 cổ phiếu giảm giá mới có một cổ phiếu tăng giá trên sàn NYSE. Có thời điểm, chỉ có 10 cổ phiếu trong S&P 500 có sắc xanh. Bất động sản và tiêu dùng không thiết yếu là những nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất, chốt phiên với mức giảm tương ứng 3% và 1,7%.
Tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, lên mức cao nhất 15 năm. Fed dự kiến tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023, lên 5,1% - một mức lãi suất cực đại cao hơn dự báo trước đó. Sau Fed, Ngân hàng Trung ương châu u (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm và dự báo tiếp tục tăng cho tới khi kiểm soát được lạm phát.
Quyết tâm chống lạm phát của các ngân hàng trung ương được khẳng định ngay cả khi nền kinh tế đang trượt dần vào suy thoái.
“Có vẻ như thị trường cuối cùng bắt đầu hiểu ra rằng tin xấu là tin xấu… Sau khi lập đáy vào tháng 10, thị trường vẫn tiếp tục lạc quan rằng Fed có thể đưa nền kinh tế hạ cánh mềm. Cuối cùng, thị trường đã bắt đầu cho rằng tin xấu cũng có nghĩa là xấu”, nhà phân tích David Wagner của Aptus Capital Advisors phát biểu, ý nói rằng trước đây thị trường coi tin xấu về kinh tế là tin tốt vì đồng nghĩa nền kinh tế đang giảm tốc và Fed sẽ trên cơ sở đó sớm chuyển sang một lập trường mềm mỏng hơn. Giờ đây, Fed vẫn giữ quan điểm cứng rắn, cho dù nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ suy thoái.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 2,17 USD/thùng, tương đương giảm 2,7%, còn 79,04 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau ở New York giảm 1,82 USD/thùng, tương đương giảm 2,4%, còn 74,29 USD/thùng.
“Đột nhiên, tất cả mọi người cùng nói về sự phá huỷ nhu cầu trong bối cảnh suy thoái. Tình hình kinh tế chẳng có gì sáng sủa. Giá dầu rất có thể lại trượt về ngưỡng 70 USD/thùng. Từ mức giá đó, mọi chuyện lại có thể trở nên rất xấu”, Giám đốc phụ trách mảng thị trường năng lượng giao sau của Mizuho, ông Robert Yawger, nhận định.
Giá dầu đã tăng mạnh trong 3 phiên đầu tuần này do lo ngại về sự thắt chặt nguồn cung khi đường ống dẫn dầu Keystone nối giữa Canada và Mỹ phải đóng cửa vì sự cố rò rỉ. Việc Trung Quốc nới lỏng các quy định chống Covid-19 cũng có lợi cho giá dầu.
Tuy nhiên, sự cứng rắn của Fed, đường ống Keystone mở cửa trở lại, và số ca nhiễm Covid tăng mạnh ở Trung Quốc đã khiến giá vàng quay đầu giảm trong hai phiên giao dịch cuối của tuần. Một chút hy vọng đã đến từ dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) rằng nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ phục hồi trong năm tới, nhưng hy vọng này nhanh chóng bị che phủ bởi mối lo kinh tế.
Giá vàng thế giới tăng khá mạnh trở lại sau phiên sụt giảm vào hôm thứ Năm, nhưng giá vàng miếng trong nước sáng nay (17/12) tăng không đáng kể. Giới phân tích cho rằng áp lực mất giá đối với vàng vẫn đang lớn do quan điểm cứng rắn của các ngân hàng trung ương.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 16 USD/oz, tương đương tăng 0,9%, chốt ở 1.794 USD/oz.
Commerzbank dự báo giá vàng vẫn có khả năng tụt về ngưỡng 1.750 USD/oz cho tới khi nhà đầu tư tin chắc rằng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed đã kết thúc. Ngân hàng Đức này cũng dự báo đến cuối năm 2023, giá vàng sẽ tăng lên mức 1.850 USD/oz.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng gần 0,3% trong phiên ngày thứ Sáu, chốt ở mức hơn 104,8 điểm. Chỉ số gần như đi ngang trong tuần này, nhưng đã giảm gần 2% trong vòng 1 tháng trở lại đây.
Những dấu hiệu cho thấy lạm phát ở Mỹ có thể đã qua đỉnh, đi cùng với đó là kỳ vọng Fed sẽ sớm chuyển sang mềm mỏng, đã gây áp lực giảm giá lên USD thời gian gần đây. Tuy nhiên, đồng bạc xanh đã hồi lại trong mấy phiên gần đây, đồng nghĩa áp lực mất giá đối với vàng sẽ duy trì trong thời gian tới.
Quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán ròng 3,5 tấn vàng trong phiên ngày thứ Sáu, giảm khối lượng nắm giữ còn 910,4 tấn. Với phiên bán ròng này, khối lượng nắm giữ của quỹ bằng với mức của cuối tuần trước. Sau một thời gian liên tục bán ròng, SPDR Gold Trust gần đây đan xen cả mua và bán, không rõ xu hướng mua hay bán.
Tin khác:
- Các quốc gia G20 nhóm họp thảo luận về quy định chung cho tài sản tiền điện tử
Đánh giá bài viết này
Gửi đánh giá của bạn