Thị trường tiền điện tử 15/11 Coin28: Bitcoin sideway quanh 16.500, altcoin phủ sắc xanh trở lại
Ngày đăng: 15-11-2022 | 16:42:10
Sự giằng co giữa hai bên mua và bán đã khiến Bitcoin trở lại trạng thái cân bằng tại khoảng $16.500 - $16.800.
Thị trường tiền điện tử
Dữ liệu thị trường cho thấy Bitcoin tiếp tục dao động dưới ngưỡng $17.000 sau khi đóng cửa hàng tuần ảm đạm. Đồng tiền mã hóa lớn nhất thị trường đã không thể hiện các dấu hiệu phục hồi đáng kể sau khi mất hơn 25% vào tuần trước do sự cố thanh khoản của sàn giao dịch FTX. Cho đến hiện tại, giá Bitcoin đã có dấu hiệu khởi sắc khi đang tiến lên ngưỡng $16.900 với khối lượng giao dịch tăng trưởng ổn định đạt giá trị 41,9 tỷ USD.

Với tình hình thị trường không mấy lạc quan, hành động giá BTC vẫn đang rất yếu ớt, KOL trader Michaël van de Poppe, nhận định “Thị trường đang tích luỹ và có thể quay về mức $10.000, sau những tin tức tiêu cực mà chúng ta đã nhận được vào tuần trước”.
Trong khi đó, trader và nhà phân tích Rekt Capital đã cảnh báo về sự thay đổi mức kháng cự, hỗ trợ khi Bitcoin đóng cửa hàng tuần tại mức thấp nhất trong 2 năm qua.
“Chúng ta có thể thấy rằng BTC đã thực hiện một lần Đóng hàng tuần mới dưới mức hàng tháng là $ 17.300. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy mức này sẽ chuyển thành ngưỡng kháng cự mới trong tuần này”.
Các bài đăng khác trong ngày đã cảnh báo về khả năng xảy ra “đà giảm mới” đối với BTC/USD, trong khi lưu ý rằng trong quá khứ, các thị trường gấu còn tồi tệ hơn.
Trước đà giữ vững của Bitcoin và biến động có phần tích cực, các altcoin trong phiên ngày hôm nay đều nằm trong sắc xanh với đà tăng nhẹ. Dẫn đầu đà hồi phục là Cronos (CRO) khi hồi phục hơn 21% trong 24 giờ qua. Tuy nhiên, trên khung thời gian hàng tuần, dự án vẫn ghi nhận khoản lỗ lớn lên đến trên 40%. Theo sát sau đó là Quant (QNT) với mức tăng 20%.

Tiếp theo đó là Trust Wallet Token (TWT) khi bật lên đến hơn 18% trong ngày. Đây cũng là dự án hiếm hoi trong top 100 altcoin hàng đầu bật tăng mạnh trong tuần qua, với khoản lợi nhuận đến 86%, giữa lúc thị trường hứng chịu cơn bão từ FTX.
Các dự án như LidoDAO (LDO), Solana (SOL), Synthetix (SNX), XRP (XRP), Uniswap (UNI)… cũng bật tăng từ 10-15%. Ethereum cũng cho thấy đà phục hồi tốt khi lấy lại ngưỡng trên $1.200 và chuẩn đà tiến tới $1.300. Khối lượng giao dịch trong 24 giờ cũng cho thấy dấu hiệu lạc quan.
Tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường lại phản ánh chiều ngược lại khi chỉ số Tham lam và Sợ hãi (FGI) tụt giảm xuống mốc 22 điểm và chìm sâu trong vùng Sợ hãi tột độ.

Các yếu tố vĩ mô
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (14/11), sau khi tăng mạnh trong tuần trước, trong bối cảnh nhà đầu tư nghiền ngẫm nhiều thông tin doanh nghiệp và kinh tế. Giá dầu thô giảm mạnh do Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và đồng USD tăng giá.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 211,16 điểm, tương đương giảm 0,6%, còn 33.536,7 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,89%, còn 3.957,25 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,12%, còn 11.196,22 điểm. Các chỉ số giằng co trong suốt thời gian của phiên giao dịch, đến cuối phiên lộ rõ xu thế giảm.
“Tuần này là một tuần thiếu những thông tin quan trọng đối với thị trường. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 đang khép lại, trong khi các số liệu kinh tế mới chưa có. Mùa nghỉ lễ cuối năm chuẩn bị bắt đầu, và chỉ còn có vỏn vẹn 7 tuần nữa là bước sang năm 2023”, chuyên gia Chris Hussey của Goldman Sachs nói với hãng tin CNBC.
“Tuy nhiên, sau báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mang lại những tia hy vọng vào hôm thứ Năm tuần trước, thị trường đang lạc quan hơn về triển vọng kinh tế vĩ mô, về khả năng lạm phát cuối cùng đã qua đỉnh, về đường đi của lãi suất từ đây, cũng như về khả năng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế”, ông Hussey nói.
Các chỉ số đã thoát đáy của phiên sau khi Phó chủ tịch Fed Lael Brainard phát tín hiệu rằng ngân hàng trung ương này có thể sớm giảm tốc độ tăng lãi suất. Phát biểu của bà Brainard mang đến cho nhà đầu tư một tâm trạng thoải mái.
Trước đó, vào hôm Chủ nhật, Thống đốc Fed Christopher Waller nói rằng mức cực đại của lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate) trong chu kỳ tăng này “còn cách xa hiện tại”. Nhận định này của ông Christopher đã gây áp lực giảm lên giá cổ phiếu ở Phố Wall khi bước sang tuần giao dịch mới.
Trước phát biểu của bà Brainard, cả ba chỉ số cùng sụt khá mạnh sau khi có tin hãng thương mại điện tử khổng lồ Amazon sắp sa thải 10.000 nhân viên, có thể ngay trong tuần này. Cùng với đó, một cuộc khảo sát của Fed cho thấy kỳ vọng lạm phát 2023 của người tiêu dùng Mỹ tăng lên, gây thêm áp lực lên tâm trí nhà đầu tư.
Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu u chốt phiên đầu tuần với mức tăng 0,14%; chỉ số MSCI All Country World Index của thị trường toàn cầu giảm 0,59%.
Tuần trước, S&P 500 tăng 5,9%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 6, nhờ số liệu lạm phát yếu hơn dự báo dẫn tới đặt cược rằng Fed sẽ sớm dịch chuyển sang một lập trường mềm mỏng hơn trong chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 2,85 USD/thùng, tương đương giảm 3%, còn 93,14 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 3,09 USD/thùng, tương đương giảm 3,47%, còn 85,87 USD/thùng. Trước đó, giá dầu Brent tăng 1,1% và giá dầu WTI tăng 2,9% trong phiên ngày thứ Sáu.
Phiên đầu tuần, giá dầu chịu áp lực giảm cùng lúc từ đồng USD mạnh lên và số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh ở Trung Quốc. Sự bùng dịch này làm suy yếu những kỳ vọng về việc quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới sớm mở cửa trở lại.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng 0,6%, đạt gần 106,9 điểm.
Mới hôm thứ Sáu, giá hàng hoá cơ bản trong đó có dầu thô tăng mạnh sau khi Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc điều chỉnh các quy định về phòng chống dịch, bao gồm rút ngắn thời gian đối với các trường hợp tiếp xúc gần với ca nhiễm và người nhập cảnh. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới ở Trung Quốc đã tăng mạnh vào cuối tuần vừa rồi, khi Bắc Kinh và các thành phố lớn cùng báo cáo số ca nhiễm mới kỷ lục.
“Làn sóng lây nhiễm mới này sẽ chỉ dẫn tới thêm những cuộc phong toả trong ngắn hạn đối với Trung Quốc, và sẽ không có lợi cho giá dầu”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital nhận định.
Trong một báo cáo hàng tháng công bố ngày 14/11, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2022 và 2023 do khó khăn kinh tế.
OPEC cho rằng nhu cầu dầu của thế giới trong năm nay sẽ tăng thêm 2,55 triệu thùng/ngày so với năm ngoái, tương đương tăng 2,6%, ít hơn 100.000 thùng/ngày so với con số đưa ra trong lần dự báo trước.
Về năm tới, OPEC dự báo nhu cầu dầu tăng 2,24 triệu thùng/ngày, cũng ít hơn 100.000 thùng/ngày so với lần dự báo trước.
Giá vàng thế giới ít biến động đêm qua và sáng nay (15/11) do vừa được hỗ trợ bởi nhu cầu mua vào của một số nhà đầu tư, vừa chịu áp lực giảm từ sự tăng giá của đồng USD. Trong nước, giá vàng miếng tăng khá mạnh và đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi dưới 15 triệu đồng/lượng.
Lúc gần 10h trưa theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.772,7 USD/oz, tăng 0,1 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York. Mức giá này tương đương xấp xỉ 53,1 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
Trong phiên Mỹ ngày thứ Hai, giá vàng giao ngay tăng 0,3 USD/oz, chốt ở 1.772,6 USD/oz.
Sau khi giảm mạnh trong tuần trước, tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lại đang tăng trở lại, gây áp lực giảm giá lên vàng. Tuy nhiên, nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff của Kitco Metals nói rằng các nhà đầu cơ vàng giá lên đã mạnh dạn mua vào hơn sau khi giá vàng tăng hơn 5% trong tuần trước. Nhờ đó, giá vàng cân bằng được sức ép giảm từ đồng USD tăng giá.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác sáng nay tăng lên gần mức 107 điểm, từ mức 106,6 điểm vào sáng hôm qua.
Tin khác:
- Arbitrum tăng trưởng ổn định sau đợt Airdrop
- Người dùng Binance rút lượng Bitcoin trị giá 1,35 tỷ khỏi sản chỉ trong 6 ngày
Đánh giá bài viết này
Gửi đánh giá của bạn