Điểm tin thị trường tiền điện tử ngày 25/09: Bitcoin tiếp tục dưới ngưỡng 19.000 USD trong khi altcoin chuyển đà giảm nhẹ

Tác giả: Duy Chiến
Ngày đăng: 26-09-2022 | 01:51:50

Bitcoin cùng altcoin ngày cuối tuần đều chìm trong sắc đỏ khi hầu hết các mã token đều có đà giảm.

Thị trường tiền điện tử

Dữ liệu thị trường cho thấy giá Bitcoin liên tục sideway quanh mốc $19.000, ngày giao dịch cuối tuần, BTC đang ở ngưỡng $18.800, khối lượng giao dịch 24 giờ chỉ đạt 22,8 tỷ USD.

Biến động giá Bitcoin ngày 25/09/2022

Grayscale Bitcoin Trust (GBTC), quỹ tiền điện tử hiện nắm giữ 3,12% tổng nguồn cung Bitcoin (BTC) ~ 640.000 BTC, đang giao dịch với mức chiết khấu kỷ lục so với giá trị cơ bản của tài sản.

Theo dữ liệu mới nhất, vào ngày 23/9, quỹ tín thác trị giá 12,55 tỷ USD đã được giao dịch với mức chiết khấu 35,18%.0 Tỷ lệ Sharpe điều chỉnh trong 12 tháng của GBTC đã giảm xuống -0,78, cho thấy lợi nhuận dự kiến ​​từ cổ phiếu là tương đối thấp so với mức biến động cao của nó. Nói một cách đơn giản, sự quan tâm của các tổ chức đầu tư đối với Grayscale Bitcoin Trust đang dần cạn kiệt.

Theo báo cáo hàng tuần của CoinShares, các quỹ đầu tư tiền điện tử đã thu hút tổng cộng gần 414 triệu USD vào năm 2022. Ngược lại, Grayscale đã chứng kiến 37 triệu USD chảy khỏi quỹ, bao gồm Bitcoin, Ethereum và các khoản tín thác của các loại token khác. Thay vào đó, sự biến động hàng ngày của giá Bitcoin giao ngay được thúc đẩy bởi các yếu tố vĩ mô.

Tuy nhiên, một số chỉ báo on-chain cho thấy rằng Bitcoin có thể sớm chạm đáy. Thế nhưng, theo nhà phân tích độc lập il Capo of Crypto, từ quan điểm kỹ thuật, giá BTC vẫn có nguy cơ giảm xuống khu vực $ 14.000 – $ 16.000.

Nhiều khả năng Bitcoin sẽ từ chối mức kháng cự đầu tiên tại vùng kéo dài từ $ 20.300 đến $ 20.600. Các nhà phân tích Bitcoin khác cũng đã đưa ra nhiều mục tiêu giá thậm chí còn thấp hơn như $ 10.000 – $ 11.000, do đây là phạm vi có khối lượng giao dịch cực lớn trong quá khứ.

Đồng altcoin lớn nhất thị trường - Ethereum cũng không khá khẩm hơn là bao khi đã xuống dưới ngưỡng $1.300 và hiện đang giao dịch quanh $1.296. Khối lượng giao dịch trong 24 giờ của ETH cũng giảm mạnh khi chỉ đạt 11,2 tỷ USD.

Top 10 altcoin đứng đầu vốn hóa thị trường

Các đồng thuộc top 10 vốn hóa thị trường đều có mức giảm từ 0,5-3%. BNB -0,86%, ADA -2,21%, SOL -1,73%, DOGE -3,84%. Một ngoại lệ là XRP vẫn bay cao khi có đà tăng tích cực gần 2%.

Phần còn lại của thị trường, dẫn đầu đà giảm là Terra Classic (LUNC) với mức lỗ trên 10% trong 24 giờ. Theo sau là Helium (HNT) và Axie Infinity (AXS) khi ghi nhận mức giảm trên 5%. Ở phần ngược lại, ETHW đang là cái tên được chú ý nhất khi x2 giá trị so với ngày hôm qua. Hiện tại ETHW giao dịch quanh $11.89 sau khi chạm đáy $4.3 trước đó.

Tâm lý thị trường vẫn không cho thấy tín hiệu lạc quan nào khi chỉ số Tham lam và Sợ hãi (FGI) tiếp tục ở vùng Sợ hãi tột độ (Extreme Fear) với 24 điểm.

Chỉ số FGI thị trường tiền điện tử ngày 25/06/2022

Các yếu tố vĩ mô

Sắc đỏ phủ khắp thị trường chứng khoán thế giới và giá dầu thô lao dốc mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (23/9), trong khi tỷ giá đồng USD tăng lên mức cao nhất 22 năm và trái phiếu bị bán ồ ạt khiến lợi suất tăng chóng mặt. Một lần nữa, giới đầu tư lo ngại rằng “liều thuốc” lãi suất tăng để chống lạm phát của các ngân hàng trung ương sẽ đẩy các nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái.

Tại thị trường Mỹ, chỉ số Dow Jones thiếu chút nữa thì rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market, thị trường gấu) sau khi số liệu cho thấy hoạt động kinh doanh tháng 9 giảm mạnh ở khu vực Eurozone và giảm tháng thứ ba liên tiếp ở Mỹ. Màu đỏ đã nhấn chìm các bảng giao dịch cổ phiếu ở Phố Wall sau khi các số liệu này được công bố, và tình hình tại các sàn giao dịch ở châu Âu cũng không có gì khá khẩm hơn.

Tỷ giá đồng Bảng Anh và giá trái phiếu của nước này giảm sâu thêm sau khi Chính phủ Anh công bố một chương trình cắt giảm thuế quy mô lớn bằng ngân sách từ việc vay nợ nhằm giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua “cơn bão giá” hiện nay, đặc biệt là giá năng lượng. Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh có phiên tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây.

Đồng Euro giảm giá xuống mức thấp nhất 20 năm và đồng Bảng thấp nhất 37 năm so với đồng USD. Trái lại, đồng bạc xanh tăng bùng nổ nhờ tín hiệu tuần này từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rằng lãi suất cơ bản của Mỹ sẽ tiếp tục tăng lên cao hơn và giữ ở mức cao trong thời gian dài hơn so với dự kiến ban đầu.

Chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới giảm 2,07%, xuống gần mức thấp nhất 2 năm. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu chốt phiên với mức giảm 2,34%, hoàn tất tuần giảm mạnh nhất trong nhiều tháng trở lại đây.

Dow Jones mất 486,27 điểm, tương đương giảm 1,62%, còn 29.590,41 điểm. Chỉ số S&P 500 tụt 1,7%, còn 3.693,23 điểm. Chỉ số Nasdaq “bốc hơi” 1,8%, còn 10.863,93 điểm.

Đây là mức đáy mới của Dow Jones trong năm nay và đánh dấu lần đầu tiên chỉ số này đóng cửa dưới mốc 30.000 USD kể từ ngày 17/6. So với mức kỷ lục, mức điểm chốt phiên này của Dow Jones thấp hơn 19,9%, chỉ còn thiếu 0,1 điểm phần trăm là đáp ứng định nghĩa thị trường gấu. Trong phiên, có lúc Dow Jones mất hơn 826 điểm. Trong khi đó, S&P 500 và Nasdaq đều đang ở trong “lãnh địa” thị trường gấu.

Cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ cùng có tuần giảm thứ 5 trong vòng 6 tuần trở lại đây. Tính cả tuần, Dow Jones giảm 4%; S&P 500 và Nasdaq giảm tương ứng 4,65% và 5,07%. Phiên ngày thứ Sáu là phiên giảm thứ tư liên tục của thị trường, sau khi Fed vào hôm thứ Tư tuyên bố tăng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm và phát tín hiệu có thể tiếp tục nâng với bước nhảy như vậy trong cuộc họp vào tháng 11.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng mạnh trong tuần này sau động thái nâng lãi suất của Fed, với lợi suất của cả kỳ hạn 2 năm và 10 năm cùng đạt mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ.

Trong một báo cáo, Goldman Sachs cắt giảm mức điểm dự báo của S&P 500 vào cuối năm nay, vì lý do lãi suất tăng. Các nhà phân tích của ngân hàng này dự báo chỉ số sẽ giảm thêm ít nhất 4% từ mức hiện tại.

Những cổ phiếu bị cho là bị ảnh hưởng nhiều nhất khi suy thoái xảy ra cũng chính là những nhóm dẫn đầu sự giảm điểm của chứng khoán Mỹ trong tuần này, với nhóm tiêu dùng không thiết yếu của S&P 500 tụt 7%. Nhóm năng lượng lao dốc 9% cả tuần vì giá dầu giảm sâu. Các cổ phiếu tăng trưởng, bao gồm các “ông lớn” công nghệ Apple, Amazon, Microsoft, và Metal cũng đồng loạt “đỏ lửa” trong phiên ngày thứ Sáu.

Một loạt ngân hàng trung ương khác cũng nâng lãi suất trong tuần này, gồm ngân hàng trung ương của Anh, Thuỵ Điển, Thuỵ Sỹ và Na uy. Tuy nhiên, những tín hiệu mới của Fed mới là nguyên nhân gây ra sự bán tháo trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu toàn cầu.

Theo ông Andrzej Skiba, trưởng bộ phận trái phiếu của công ty quản lý tài sản RBC Global Asset Management, nói rằng nhà đầu tư đang cố gắng xác định xem lạm phát sẽ còn “nóng” trong bao lâu và lãi suất sẽ tăng cao đến đâu. “Thị trường đang cảm thấy bất an vì chưa biết lạm phát sẽ diễn biến thế nào và liệu lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ có lập đỉnh ở ngưỡng cao của vùng 4% hay không”, ông Skiba nói, đề cập đến dự báo của Fed rằng lãi suất cơ bản sẽ đạt tối đa 4,6% vào cuối năm 2023.

Nỗi lo suy thoái và đồng USD mạnh gây áp lực giảm mạnh lên giá dầu thô trong phiên này. Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent sụt 4,31 USD/thùng, tương đương giảm 4,8%, còn 86,15 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại Mỹ mất 4,75 USD/thùng, tương đương giảm 5,7%, còn 78,74 USD/thùng. Cả tuần, giá dầu Brent giảm 5,3% còn giá dầu WTI giảm 7%.

Nhật Bản ngày 21/9 tiến hành can thiệp vào thị trường ngoại hối, mua vào đồng Yên lần đầu tiên kể từ năm 1998, trong nỗ lực “cứu” tỷ giá động nội tệ đang tuột dốc không phanh. Động thái này diễn ra sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định giữ nguyên lãi suất siêu thấp thay vì gia nhập “cuộc đua” tăng lãi suất để chống lạm phát trên toàn cầu.

Theo tin từ Reuters, hành động can thiệp trên đưa tỷ giá đồng USD so với Yên Nhật tụt hơn 2%, về mức 140,3 Yên đổi 1 USD, sau khi tăng hơn 1% sau quyết định của BOJ giữ nguyên lập trường chính sách siêu lỏng lẻo.

Như một thể thức, việc can thiệp vào thị trường ngoại hối đòi hỏi sự nhất trí không chính thức từ các đối tác của Nhật Bản trong nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7), đặc biệt là Mỹ, nếu việc can thiệp đó nhằm vào cặp tỷ giá USD/Yên.

Sự xác nhận của Tokyo về động thái can thiệp thị trường ngoại hối được đưa ra chỉ vài giờ sau khi BOJ công bố quyết định giữ lãi suất ở mức gần 0 để hỗ trợ sự phục hồi còn mong manh của nền kinh tế - một lập trường mà nhiều nhà phân tích cho rằng đang ngày càng trở nên thiếu bền vững xét tới xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu.

Đánh giá bài viết này

5/5 - (1 Bình chọn)

Tin khác:

- Vitalik Buterin mong Zcash và Dogecoin sẽ chuyển sang Proof-of-Stake

- Binance nói gì trước đề xuất “thuế đốt coin” LUNC (Luna Classic)

Danh sách bài viết được xem nhiều