Điểm tin thị trường tiền điện tử ngày 18/09 Coin28: Bitcoin tiếp tục giao quanh vùng 20.000 USD
Ngày đăng: 19-09-2022 | 00:47:50
Bitcoin đang cố gắng lấy lại đà hồi phục trong khi thị trường chứng khoán ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2022.
Thị trường tiền điện tử
Sau khi liên tục xuống dưới vùng $19.500, Bitcoin đã thiết lập đáy cục bộ tại $19.300 và đang quay đầu tăng nhẹ, hướng khu vực $20.000. Hiện tại giá BTC đang ở ngưỡng $19.880 và có xu thế tiếp tục tăng. Khối lượng giao dịch 24 giờ đạt 25,7 tỷ USD, giảm nhẹ 4,09% so với ngày hôm qua.

Các đường trung bình động 50 ngày và 100 ngày ở quanh mức $22.000 đã từ chối đà tăng và khiến giá đảo chiều đi xuống. Thị trường cũng đã không thể vượt lên trên đường xu hướng giảm giá và vẫn đang duy trì dưới ngưỡng này kể từ khi thị trường gấu hiện tại bắt đầu.
Các dữ liệu phân tích từ CryptoQuant cho thấy khối lượng chuyển tiền của thợ đào sang các sàn giao dịch spot tăng cao đột biến ở mức 104.537 tính đến ngày 14 tháng 9. Con số này cho thấy phe gấu đang trỗi dậy vì sự gia tăng chuyển tiền của thợ đào đến các sàn giao dịch giao ngay thường là tín hiệu giảm giá danh cho BTC.
Theo chỉ báo RSI, thị trường vẫn có khả năng tiếp tục giảm giá trong ngắn hạn, vì động lượng đang có lợi cho phe gấu.
Mặc dù những phân tích và dự đoán này cho thấy những ngày ảm đạm của BTC vẫn tiếp tục nhưng một số chỉ số on-chain lại chỉ ra rằng mọi thứ đang có lợi cho thị trường. Chẳng hạn, nguồn cung hoạt động hơn 10 năm chỉ đạt mức ATH là 2.516.080.091 BTC. Điều này thể hiện sự tin tưởng ngày càng tăng của các nhà đầu tư vào đồng tiền này.
Hơn nữa, khối lượng Bitcoin chảy khỏi các sàn giao dịch (MA 7 ngày) vừa đạt mức cao nhất trong một tháng. Đây có thể được xem là tín hiệu khởi sắc cho phe bò. aSOPR của BTC cũng đang ở vùng “xanh”, cho thấy thị trường có thể đã chạm đáy.

Với hành động giá hiện tại của Bitcoin, thị trường altcoin cũng đang đi ngang để chờ tín hiệu tiếp theo từ đồng tiền điện tử lớn nhất. Trong 24 giờ qua, hầu hết các dự án trong top 10 đều có rất ít biến động, với hầu hết các dự án đều có xu hướng đi ngang – ngoại trừ XRP đã bật tăng khoảng 6%. Các dự án lớn khác trong top 100 cũng cho thấy tín hiệu tương tự, khi đa phần đều ghi nhận khoản lỗ/lãi chưa đến 2% trong ngày.
Chỉ báo Sợ hãi và tham lam (FGI) hiện đã thoát khỏi vùng Sợ hãi tột độ (Extreme Fear) và dừng ở mức 27 điểm tại vùng Sợ hãi (Fear), tăng 5 điểm so với ngày hôm qua.

Các yếu tố vĩ mô
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày cuối tuần (thứ Sáu 16/9), hoàn tất tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 6, khi nhà đầu tư phản ứng tiêu cực với cảnh báo của hãng vận chuyển FedEx về sức khoẻ của nền kinh tế toàn cầu.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 139,4 điểm, tương đương giảm 0,45%, còn 30.822,42 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,72%, còn 3.873,33 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,9%, còn 11.448,4 điểm. Phiên giảm này đưa chứng khoán Mỹ tụt xuống mức đáy của 2 tháng.
Cổ phiếu FedEx lao dốc 21,4%, cú giảm mạnh chưa từng thấy trong lịch sử của công ty này với tư cách một doanh nghiệp niêm yết đại chúng, sau khi FedEx rút lại dự báo kết quả kinh doanh cả năm và nói rằng sẽ triển khai các sáng kiến cắt giảm chi phí để ứng phó với tình trạng suy yếu của khối lượng vận tải hàng hoá trên toàn cầu. Lý do được FedEx đưa ra cho động thái này là tình hình nền kinh tế toàn cầu “đã xấu đi nhiều”.
Cổ phiếu giao thông thường được xem là một chỉ báo hàng đầu về thị trường chứng khoán cũng như sức khoẻ của nền kinh tế. FedEx nêu rõ rằng sự suy yếu của khu vực châu Á là một trong những lý do chính cho triển vọng bi quan mà công ty đưa ra. Hai hãng vận tải đối thủ của FedEx là UPS và XPO Logistics chứng kiến giá cổ phiếu giảm tương ứng 4,5% và 4,7%. Cổ phiếu “đế chế” thương mại điện tử Amazon sụt 2,1%.
Thông tin u ám từ FedEx được đưa ra không lâu sau báo cáo lạm phát nóng hơn dự báo mà Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Ba tuần này. Dữ liệu lạm phát này đã thổi bùng nỗi lo rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ buộc phải duy trì việc tăng lãi suất mạnh tay để chống lại sự leo thang của giá cả và việc đó sẽ kéo nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Hôm thứ Ba, chứng khoán Mỹ trải qua một phiên bán tháo dữ dội vì số liệu này, với Dow Jones mất hơn 1.200 điểm.
“Đang có nhiều mối lo về tình trạng kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ, trong khi nền kinh tế Mỹ đang phải ứng phó với một loạt vấn đề nghiêm trọng của chính nó. Tôi cho rằng đó là điều mà mọi người đang nhận ra”, nhà phân tích Callie Cox của eToro phát biểu.
Đây là tuần giảm tồi tệ nhất của S&P 500 và Nasdaq kể từ tháng 6 và là tuần giảm thứ 4 trong vòng 5 tuần trở lại đây của cả ba chỉ số. Sự giảm điểm này cho thấy đợt tăng trong mùa hè vừa qua rất có thể chỉ là một sự phục hồi ngắn trong xu hướng thị trường đầu cơ giá xuống (bear market rally). Tính cả tuần này, Dow Jones mất 4,1%; S&P 500 trượt 4,8%; và Nasdaq mất 5,5% điểm số.
Theo dữ liệu từ sàn giao dịch CME, giới đầu tư đang đặt cược nhiều hơn vào khả năng Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần tới. Bước nhảy 1 điểm phần trăm cũng được tính đến, nhưng với khả năng thấp hơn. Tuần tới cũng có cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE). Phát biểu ngày thứ Sáu, Phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu u (ECB) nói rằng sự giảm tốc của nền kinh tế Eurozone sẽ không đủ để kéo lạm phát xuống và ECB sẽ tiếp tục phải tăng lãi suất.
Giữ vai trò như một chỉ báo về kỳ vọng lãi suất, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm có lúc tăng lên mức 3,924% trong phiên ngày thứ Sáu, mức cao nhất kể từ năm 2007.
Nhà đầu tư bi quan là tâm lý chung của thị trường chứng khoán toàn cầu trong phiên giao dịch cuối của tuần. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu u giảm 1,58% và chỉ số MSCI All Country World Index của thị trường thế giới mất 0,96% điểm số.
Giá dầu thô tăng nhẹ trong phiên ngày thứ Sáu, khi đà tăng giá của đồng USD chững lại. Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,51 USD/thùng, đạt 91,35 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,01 USD/thùng, chốt ở 85,11 USD/thùng.
Cả tuần, giá cả hai loại dầu cùng giảm gần 2% do đà tăng mạnh của đồng USD và nỗi lo về lãi suất tăng cũng như nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Dù vậy, giá “vàng đen” vẫn đang được nâng đỡ bởi khả năng nguồn cung dầu thắt chặt hơn một khi châu u chính thức cấm vận dầu Nga từ đầu tháng 12.
Trong quý 3 này, giá dầu Brent và dầu WTI đều đã giảm khoảng 20%, tiến tới hoàn tất quý giảm mạnh nhất kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu vào năm 2020.
Tuần này, thị trường dầu còn lo ngại khi một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới trong quý 4 năm nay có thể chỉ bằng 0 do nhu cầu của Trung Quốc yếu đi.
Giá vàng thế giới hồi phục trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu khi đồng USD chững giá, nhưng chưa thể lấy lại mốc chủ chốt 1.700 USD/oz và đã giảm 2,5% trong tuần này do xu hướng tăng của đồng bạc xanh và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất trong tuần tới…
Lúc đóng cửa phiên đêm qua tại New York, giá vàng giao ngay tăng 10,6 USD/oz, tương đương tăng 0,64%, chốt ở 1.676,9 USD/oz. Mức giá này tương đương gần 48,1 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Vàng hồi giá khi đồng USD yếu đi. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt tuần ở mức 109,6 điểm, giảm từ mức 109,7 điểm của phiên trước.
Tuy nhiên, USD đã tăng giá khá mạnh trong tuần này do kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất với bước nhảy lớn để chống lạm phát. Nếu tính cả tuần, Dollar Index tăng gần 0,6%. Trong tuần, có lúc chỉ số đạt gần 111 điểm, mức cao nhất trong 20 năm.
Cả xu hướng tăng giá của USD và kỳ vọng lãi suất Fed đều gây áp lực giảm giá lên vàng, khiến kim loại quý này giảm 2,5% trong tuần và có lúc tụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020.
Tin khác:
- Bitcoin ngày 19/09: Khởi đầu tuần mới bằng sắc đỏ khi dump sâu xuống dưới ngưỡng 19.000 USD
Đánh giá bài viết này
Gửi đánh giá của bạn